Theo dõi trên

Đề xuất mới của doanh nghiệp về cơ chế điều hành giá xăng dầu

03/12/2024, 15:28

Việc đề xuất các thương nhân phân phối (TNPP) không được mua bán lẫn nhau và cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn đang tiếp tục gây tranh luận khi mới đây, đại diện khối TNPP đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương đề cập về vấn đề này.

Tiếp tục có ý kiến về Dự thảo lần 4 - Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014, các Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 sửa đổi, các DN là thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ xăng dầu (nhóm TNPP) mới có văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) bày tỏ quan điểm của mình.

anh-man-hinh-2024-12-03-luc-062110-3239.jpg

Vẫn còn nhiều quy định chưa phù hợp nhằm hài hòa lợi ích trong điều hành thị trường xăng dầu

Là pháp nhân đại diện cho nhóm TNPP, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP cho biết, trong thời gian vừa qua, bằng nhiều hoạt động tập thể khác nhau, nhóm TNPP đã tích cực tham gia vào việc đóng góp ý kiến, kiến nghị về việc xây dựng Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình đó, nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị của nhóm đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, các chuyên gia và đặc biệt cả nhiều Đại biểu Quốc hội.

“Cho tới nay, có nhiều nội dung góp ý, kiến nghị của nhóm TNPP vẫn chưa được Ban soạn thảo Nghị định (do Bộ Công Thương chủ trì) tiếp thu để chỉnh sửa và hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định trình Chính phủ (Dự thảo 4). Do đó, với tư cách là các doanh nhân Việt Nam có trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp vào xây dựng chính sách và pháp luật, nhóm tiếp tục gửi kiến nghị nhằm hoàn thiện Nghị định mới”, ông Dũng cho biết.

Tại văn bản kiến nghị mới nhất, nhóm TMPP tập trung vào một số điểm mấu chốt, thiết thực, gây tác động lớn và trực tiếp nhất đến các quyền, lợi ích của các TNPP cũng như môi trường kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, nhóm đưa ra 3 kiến nghị gồm: Một là, cơ quan quản lý có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các DN lớn và siêu lớn, giúp cho các DNNVV trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Hai là, tiếp thu một số kiến nghị cụ thể cấp bách như yêu cầu sửa Dự thảo Nghị định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như Nghị định 95/2021. Nghị định nên bỏ cách quy định phân loại thương nhân, thay vào đó quy định đối tượng điều chỉnh của Nghị định là DN kinh doanh xăng dầu nói chung với các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với các hoạt động kinh doanh.

Cụ thể như điều kiện kinh doanh nhập khẩu, điều kiện và tiêu chuẩn kho xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ, điểm bán xăng dầu,…

“Cơ quan soạn thảo cần xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất. Trong khi đó, Quỹ lại tạo gánh nặng tài chính cho DN nói chung và cùng với thuế môi trường thu trước, nhiều DN lớn đã lạm dụng quỹ này và tiền thuế để trục lợi trái pháp luật. Với mục đích bảo đảm an ninh xăng dầu cho nền kinh tế, đề nghị Chính Phủ một mặt áp dụng cơ chế dự trữ xăng dầu theo Luật Dự trữ quốc gia; mặt khác đưa vào Nghị định cơ chính sách để các quỹ tài chính, ngân hàng có cơ chế tín dụng đặc thù dành cho các DN kinh doanh xăng dầu”, đại diện nhóm TNPP diễn giải.

Ba là, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng: Giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do DN tự quyết định giá.

“Phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho DN tự định giá, thoả thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường, không phải DN được quyền tự tính giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận hoặc mức giá tối đa do Nhà nước quy định như Dự thảo Nghị định”, nhóm phân tích làm rõ kiến nghị.

du-thao-nghi-dinh-moi-ve-kinh-doanh-xang-dau-doanh-nghiep-van-keu-vuong-20241024183847.jpg

Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu tiếp tục nhận được các ý kiến hoàn thiện

Cũng theo nhóm TNPP, việc giao quyền định giá xăng dầu cho DN không có nghĩa là Nhà nước “buông” hay “thả nổi” để DN tự định giá thế nào cũng được, Nhà nước vẫn phải kiểm soát, điều tiết quyền đó của DN bằng những hình thức thích hợp, có thể Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc tính giá, căn cứ tính giá, phương pháp tính giá (gồm phương pháp tinh các chi phí, lợi nhuận cho tất cả các khâu giá bán buôn, bán lẻ) để DN có chuẩn mực tính toán theo nguyên tắc thị trường; quy định rõ thẩm quyền quyết định giá, điều chỉnh giá.

Đồng thời, Nhà nước thực hiện cơ chế hậu kiểm để xem xét, kiểm tra việc tính giá theo các hướng dẫn trên, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá bất hợp lý, gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người dân. Trong trường hợp thị trường có biến động, các DN phải tuân thủ và thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước quy định.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công điện của Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất mới của doanh nghiệp về cơ chế điều hành giá xăng dầu