Hạn chế điều kiện học
Niên học 2021 - 2022 do ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà bỏ lỡ việc học của các em, chỉ tạm dừng đến trường, không dừng việc học. Có nghĩa học sinh học ở nhà bằng nhiều cách tùy điều kiện, hoàn cảnh miễn sao đảm bảo sức khỏe và học tập. Theo đó, học online trở thành phương cách tốt nhất, nhưng phải có thiết bị thông minh. Với học sinh vùng xuôi có điều kiện học tập còn vùng cao thì khó khăn hơn. Nhiều em, nhất là bậc tiểu học không biết thiết bị thông minh là gì, chưa nói đến cách sử dụng.
Trước tình hình đó, giáo viên phải mang tài liệu học đến tận nhà hướng dẫn các em học. Cô Trần Thị Chính – Chủ nhiệm lớp 1C Trường TH & THCS xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Tổng sĩ số lớp có 26 em, trong đó có 2 em người Kinh còn lại là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các em sống trong điều kiện gia đình khó khăn, ba mẹ lo từng bữa ăn lấy đâu ra thiết bị thông minh. Hàng tuần học sinh nhận tài liệu học từ thầy cô để về tự học”.
Cách dạy và học này không giáo viên nào muốn vì phải “đội mưa, nắng” vượt đèo, lội suối đến từng nhà học sinh hướng dẫn mà chất lượng học không cao. Bởi không gì bằng thực tế cầm tay chỉ việc cũng như có nhiều thời gian chỉ từng con chữ cho học trò. Tự học ở nhà không ai kèm cặp, ngoài thầy cô thỉnh thoảng đến kiểm tra, rất khó đảm bảo kiến thức trong chương trình. Em Bờ Rông Thị Thúy Ngân (7 tuổi), thôn 2, xã La Dạ là trong số rất nhiều trường hợp, ba mẹ đi rừng từ lúc mặt trời chưa mọc và về với em khi nhà đã lên đèn. Mọi việc ở nhà chị em Ngân tự lo, học hành không ai chỉ dạy, tối đến ngủ sớm. “4 lần đến nhà và lần cuối cùng gặp được ba mẹ Ngân lấy giấy khai sinh và hộ khẩu làm chế độ hỗ trợ theo quy định cho Ngân vào lúc mặt trời khuất núi”, cô Chính nói khi dạy Ngân cách đánh vần.
Mong dịch Covid-19 qua mau, học sinh sớm đến trường
Đây là điều mà nhiều giáo viên, cũng như các bậc phụ huynh, học sinh mong muốn vì càng kéo dài càng ảnh hưởng đến việc học. Thầy cô ở các trường vùng cao như cô Chính, thầy Thưởng, thầy An cũng đang mong ước điều đó đến sớm. Nhiều em lớp vỡ lòng cho đến nay chưa biết đọc, viết, tài liệu thầy cô giao bỏ dở ở góc nhà. Vì các em đang ở tuổi ham chơi, có người lớn bên cạnh động viên, dỗ dành chưa chắc đã chú tâm học huống chi giao cho các em tự học. Cô Chính chia sẻ: Các em chưa biết đọc có nhiều yếu tố, phần lớn cha mẹ không quan tâm, nếu học tập trung tại trường có nhiều thời gian thầy cô kèm cặp còn ở nhà thì rất khó. Do nhà xa nên không thể đi và kèm hết được tất cả học sinh, cho nên phải chia đều thời gian đến từng nhà giảng dạy là giải pháp tốt nhất có thể.
Với điều kiện học như vậy, thầy cô đang lo các em khó vượt qua kỳ thi học kỳ 1 đang đến gần. Nhất là khối đầu cấp, nhiều em chưa biết đọc, viết làm sao có thể làm bài. “Qua khảo sát phần lớn học sinh không có thiết bị thông minh, nên yêu cầu giáo viên mang tài liệu phát cho học sinh học tại nhà. Cứ thứ 3 hàng tuần tất cả thầy cô đến trường nhận tài liệu đi phát, còn những ngày khác đi hỗ trợ các em học. Hình thức “học online” kiểu này khó đạt chất lượng, chẳng qua để cho các em khỏi quên mặt chữ” - thầy Nguyễn Ngọc Thiên An – Hiệu trưởng Trường TH & THCS La Dạ cho biết.