Vài phút sau đã cũ lắm rồi
Như tờ báo cầm trên tay nóng hổi
Chỉ phút sau đã bỏ xuống rồi.
Mới tháng trước tưởng chừng như rất mới
Vài tháng sau đã cảm thấy cũ rồi
Như quần áo, ô tô, nhà cửa
Đang cũ dần trước cái mới sinh sôi.
Và ta nữa đang hàng ngày không mới
Dẫu ta đi đến cuối đất cùng trời
Điều quan trọng để mình luôn tươi rói
Là biết nhiều cái cũ rụng rơi.
Duy chỉ có một thứ muôn đời cũ
Nhưng mỗi mùa tết đến lại tươi nguyên
Chiếc bánh chưng vừa vớt bên bếp lửa
Nghi ngút hơi đã náo nức cơn thèm.
Đoàn Minh Tuấn
Bài thơ có 4 khổ thơ nhưng càng đọc càng thấm; và cái hay của bài thơ không phải ở câu chữ mới mẻ hoặc ý tứ mới mẻ; thậm chí còn rất cũ trong suy nghĩ của nhiều người. Cái hay cũng không nằm trong những triết luận cao xa mà nó rất đời thường, nhờ thế mà họ thấy gần gũi, cảm ơn nhà thơ đã nói hộ lòng mình khi họ không kịp nói, hoặc không diễn đạt được thành thơ, chẳng hạn: “Mấy phút trước tưởng chừng như rất mới/ Vài phút sau đã cũ lắm rồi/ Như tờ báo cầm trên tay nóng hổi/ Chỉ phút sau đã bỏ xuống rồi”...
Hoặc nữa: “Mới tháng trước tưởng chừng như rất mới/ Vài tháng sau đã cảm thấy cũ rồi/ Như quần áo, ô tô, nhà cửa/ Đang cũ dần trước cái mới sinh sôi”...
Vâng! Cuộc sống là vậy! Mọi thứ phương tiện vật chất, kể cả những thông tin mới mẻ rồi cũng trở nên cũ kỹ khi cái mới ập vào. Cũng bởi vậy, nhà thơ tiến thêm một bước nói tới cái cũ, cái mới ngay trong mỗi con người: “Và ta nữa đang hàng ngày không mới/ Dẫu ta đi đến cuối đất cùng trời”… Để rồi mọi người tự nhắc mình: “Điều quan trọng để mình luôn tươi rói/ Là biết nhiều cái cũ rụng rơi”...
Vâng! Cái cũ rụng rơi là những cái không đáng tồn tại trong cuộc đời, và để hiểu điều đó không dễ nếu không trải nghiệm, nếu không vứt bỏ những định kiến, bảo thủ và biết cập nhật mọi kiến thức của nhân loại…
Khổ kết bài thơ thật bất ngờ khi nhà thơ nói đến cái tết, nghĩa là nói đến cái cũ nhất trong mọi cái cũ vậy mà có tình, có lý, cũng có nghĩa là rất mới như chiếc bánh chưng xanh: “Duy chỉ có một thứ muôn đời cũ/ Nhưng mỗi mùa tết đến lại tươi nguyên/ Chiếc bánh chưng vừa vớt bên bếp lửa/ Nghi ngút hơi đã náo nức cơn thèm”.
Quả là rất biện chứng mà chẳng cần lời lẽ cao xa.
TrẦn Duy Lý