Theo dõi trên

Di chứng hậu COVID-19: Đeo bám dai dẳng, nhiều người khó trở lại bình thường

17/02/2022, 15:46

Sau khi khỏi COVID-19, nhiều người gặp vấn đề về hô hấp, tim mạch, thậm chí các triệu chứng như lúc mắc bệnh kéo dài dai dẳng, khó trở lại cuộc sống bình thường.

Tại TP.HCM, nơi có số ca bệnh COVID-19 nhiều nhất cả nước, hàng ngày, các bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và điều trị hậu COVID-19.

Triệu chứng đeo bám dai dẳng

Anh Ngọc Hảo (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mắc COVID-19 hồi tháng 9/2021, nhưng đến nay anh vẫn còn các triệu chứng như khi mắc bệnh, điển hình nhất là bị mất mùi. Anh cho biết, dù đã khỏi bệnh gần 5 tháng, nhưng đến nay khứu giác của anh không thể trở lại bình thường như trước.

Ngoài việc triệu chứng giống lúc mắc bệnh kéo dài, anh Hảo còn gặp các di chứng về hô hấp, tim phổi. Hàng ngày anh đến Trung tâm Vật lý trị liệu và Tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) để điều trị, cuộc sống bị thay đổi, đảo lộn khá nhiều.

"Từ lúc khỏi COVID, tôi rất khó ngửi thấy mùi nếu không để gần mũi, không thể bình thường như khi chưa mắc bệnh. Đi lên xuống cầu thang thì mệt, hụt hơi, tim phổi của tôi đều có di chứng, có lúc đau tức ngực, COVID-19 tàn phá ghê quá", anh Hảo nói. 

Chị Ngọc Ánh (giáo viên, ngụ quận 9) cũng đang điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đặc thù công việc hàng ngày phải nói nhiều nhưng sau khi khỏi COVID-19 chị thường bị hụt hơi khi giảng dạy, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều, thường xuyên mệt mỏi.

“Chỉ số SpO2 của tôi cũng thường xuyên tuột, đi một đoạn ngắn là bắt đầu mệt, tim đập nhanh. Trước khi mắc COVID-19 tôi không có những biểu hiện này, tôi là F0 từ 28/11 - 8/12/2021 là khỏi bệnh (âm tính), mà các triệu chứng này có từ lúc bệnh cứ kéo dài tới bây giờ”, chị Ánh nói.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, BSCKII Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Vật lý trị liệu và Tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 cho biết, hàng ngày trung tâm tiếp nhận từ 40 - 50 bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19. Thời gian đầu, người dân khá thờ ơ với việc khám sức khỏe hậu COVID-19, nhưng sau đó nhiều ca gặp di chứng về tim, phổi thì F0 khỏi bệnh đến khám hậu COVID-19 ngày càng tăng. 

Theo BS Sang, có khoảng 30% F0 khỏi bệnh gặp các vấn đề về hậu COVID-19, có những ca ghi nhận phổi, tim có biến chứng sau khỏi bệnh, nhưng triệu chứng lâm sàng nhiều nhất là mệt mỏi, khó thở, sau đó là mất ngủ.

“Ở nước ngoài hiện đang nghiên cứu nhiều về di chứng hậu COVID-19, còn ở Việt Nam ghi nhận di chứng hậu COVID-19 chủ yếu qua triệu chứng lâm sàng, chứ chưa có nghiên cứu sâu. Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ khám sàng lọc và cho bệnh nhân đi chụp phổi, những bệnh nhân nằm quá lâu do COVID-19 thì có xuất hiện tình trạng xơ phổi rải rác quanh vùng rốn phổi. Ngoài ra tim cũng có lúc đập nhanh, đau tức ngực”, BS Sang cho biết.

Dễ bị “chặt chém”

BS Nguyễn Thanh Sang cho biết, hiện Trung tâm điều trị miễn phí cho bệnh nhân hậu COVID-19 về tâm lý trị liệu, nghĩa là khi điều trị về tâm lý hậu COVID-19, người bệnh không phải trả bất cứ phí gì. Còn với vật lý trị liệu, điều trị theo BHYT, gần như người bệnh không phải đóng thêm phí điều trị hay xét nghiệm nào, chỉ một vài dịch vụ đóng thêm tiền, nhưng không đáng kể.

Hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa ban hành phác đồ điều trị hậu COVID-19, nghĩa là chưa có phác đồ điều trị chung cho bệnh hậu COVID-19. Do đó mỗi nơi khám một kiểu, nhất là tại một số phòng khám tư thường “chặt chém” khi cho bệnh nhân đi chụp chiếu, làm các xét nghiệm không cần thiết.

“Những dịch vụ, xét nghiệm thực sự không cần thiết như xét nghiệm máu, chụp phổi khiến người dân bị mất tiền mà chưa chắc ra bệnh… Rồi bên ngoài không dùng BHYT, người dân dễ bị “chặt chém”, còn Trung tâm dùng thẻ BHYT, người có BHHYT gần như không đóng phí gì. Ví dụ, nếu có chỉ định đi chụp phổi, chỉ cần đóng 13.000 đồng”, BS sang nói.

Theo BS Sang, một liệu trình điều trị hậu COVID-19 là khoảng 5 - 7 ngày, bệnh nhân hồi phục khoảng 90%. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám sàng lọc để đánh giá bệnh nhân như thế nào, triệu chứng nặng hay nhẹ. Và có hai hướng điều trị là tâm lý trị liệu và vật lý trị liệu sau khám sàng lọc. 

“Nếu triệu chứng nhẹ thì không cần thiết chụp phim, còn nặng cần chụp phim phổi xem có tổn thương không. Những bệnh nhân hậu COVID-19 thường hay mắc bệnh về tâm lý, chuyển qua gặp chuyên gia tâm lý, điều trị 5 - 7 ngày. Nếu bệnh nhân không gặp trở ngại về tâm lý thì khám sàng lọc chuyển qua vật lý trị liệu, nếu gặp các vấn đề về sức khỏe như: khó thở, mệt mỏi, đau đầu, đau ngực,…", BS Sang nói. 

Về điều trị tâm lý hậu COVID-19, Th.S tâm lý Trần Quang Trọng (Trung tâm Vật lý trị liệu và Tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) cho biết, có 10% F0 bị trầm cảm, rối loạn lo âu sau khỏi COVID-19. Hoặc có những trường hợp khi cách ly ở nhà quá lâu cũng dẫn đến lo sợ về sức khỏe, mặc dù về mặt bệnh lý họ hoàn toàn bình thường.

"Hiện bệnh nhân đến Trung tâm khám sẽ được tư vấn và điều trị tâm lý (nếu gặp phải) trước khi điều trị bệnh lý khác. Triệu chứng họ thường gặp là rối loạn lo âu dẫn đến mất ngủ, nhà có người thân mất vì COVID-19 nên buồn bã, sợ hãi, thậm chí là trầm cảm, tôi phải có thủ thuật để giúp bệnh nhân trở lại bình thường", Th.S Trọng nói.

Tại TP.HCM, hiện có hơn 300.000 ca COVID-19 xuất viện sau khi điều trị, có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 về cả bệnh lý và tinh thần được đánh giá là đáng quan tâm trong năm 2022. Do đó thành phố dự kiến phân tầng để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nhẹ sẽ do tuyến y tế cơ sở phụ trách với các biện pháp kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 trung bình sẽ do tuyến y tế tuyến quận huyện phụ trách. Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nặng sẽ do các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối phụ trách điều trị.

Hậu COVID-19 được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng sau đại dịch. Do đó các chuyên gia cho rằng cần có những chiến lược tiếp cận và can thiệp sớm phù hợp, rõ ràng chăm sóc sức khỏe người dân./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Việt Nam - Cứ điểm sản xuất mới của thế giới
Theo hãng tin Sputnik, Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di chứng hậu COVID-19: Đeo bám dai dẳng, nhiều người khó trở lại bình thường