Từ quan điểm "Zero Covid-19" sang "sống chung an toàn với dịch", Việt Nam cho thấy hướng đi phù hợp khi nền kinh tế tiếp tục khởi sắc. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển. Dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tháng đầu tiên của năm mới, số vốn đầu tư FDI thực hiện đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
"Việt Nam là cứ điểm sản xuất mới của thế giới" là tiêu đề bài viết vừa được hãng tin Sputnik của Nga đăng tải. Bài viết nhận định Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng "Made in Vietnam" ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế. Bài viết dẫn báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Samsung Việt Nam khẳng định "Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu với chiến lược đầu tư lâu dài và Hà Nội trở thành nơi đặt trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á của Samsung".
Bài phân tích trên trang Koreaherald của Hàn Quốc mới đây khẳng định Việt Nam là cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung Electronics. Năm 2021, 50% điện thoại thông minh trên toàn cầu của công ty này được sản xuất tại Việt Nam. Bấp chấp những khó khăn đại dịch gây ra, năm 2021, Samsung Việt Nam vẫn tăng trưởng 14%, đạt hơn 74 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 16%.
"Một trong những yếu tố giúp chúng tôi có được kết quả kinh doanh đáng khích lệ như vậy là nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương. Do đó, quá trình sản xuất của chúng tôi đã không bị gián đoạn ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Samsung luôn tin tưởng vào môi trường đầu tư ưu việt của Việt Nam và sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh tại đây. Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD. Nếu như trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược", Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết.
Mới đây, hãng tin CNBC, Bloombeg dẫn báo cáo tài chính của tập đoàn chuyên về sản phẩm thể thao hàng đầu thế giới Nike cho biết, năm 2021 Việt Nam sản xuất cho Nike chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng. "Chúng ta có thể thấy sức hút lớn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư FDI. Đại dịch Covid-19 cho thấy chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình", chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset đánh giá.
Không chỉ Samsung, Nike hay Intel, mà gần đây, hàng loạt dự án sản xuất của các tập đoàn lớn như Foxconn, Pegatron Lego… xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều. Mới đây, Panasonic đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại Thái Lan sang Việt Nam. Trong khi đó, các đơn vị đã hiện diện lâu năm cũng đều lên kế hoạch mở rộng sản xuất.
"Việt Nam đang ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng tôi đánh giá cao việc chuyển chiến lược phòng chống Covid-19 từ "Zero Covid-19" sang thích ứng linh hoạt, hiệu quả của chính phủ Việt Nam. Trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản, không chỉ bởi yếu tố kinh tế chính trị ổn định, chi phí cạnh tranh mà còn bởi chất lượng nguồn lao động và những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại", ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội nhận định.
Các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể đem đến cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư. Đây là nhận định được đưa ra trong bài viết đăng tải trên trang ETF Trends của Mỹ ngày 8/2 vừa qua. Theo bài viết này, đại dịch Covid-19 chắc chắn tác động nhiều đến các thị trường mới nổi, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã làm giảm thiểu những tác động kinh tế của dịch bệnh. Bài viết nhấn mạnh Việt Nam là một ví dụ điển hình nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của Chính phủ.
"Xu hướng trước dịch là chuyển dịch hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng về Việt Nam lại được tái khởi động trở lại. Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN chúng tôi đã quyết định đưa một đoàn doanh nghiệp thăm Việt Nam, gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành để thảo luận những kế hoạch cơ hội đầu tư, chứ không còn phải làm trực tuyến như năm ngoái nữa", ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho hay.
"Năm 2022, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam có thể lên tới con số 10 tỷ USD. Năm nay có thể có một vài dự án lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng với quy mô 3 - 6 tỷ USD. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư", ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), nhận định.
Dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nhiều quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ rất kịp thời tạo dựng tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững vàng bước vào năm 2022. Những nhận định của các chuyên gia và báo chí quốc tế tuần qua phần nào cho thấy, kinh tế Việt Nam đã và đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Những tín hiệu mở cửa thời gian tới cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong gian đoạn bình thường mới hậu Covid-19./.