Theo dõi trên

Giá xăng dầu tăng kỷ lục gây tổn thương cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp

13/02/2022, 16:22

Giá xăng dầu trong nước lại leo lên một mốc thang kỷ lục. Trong bối cảnh hoạt động vận tải hành khách và hàng hoá đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 thì đây được xem là “cú đấm” khá mạnh gây tổn thương đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vận tải chỉ gồng được đến tháng 3/2022

Theo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, họ đã phải chịu tổn thất nặng nề khi xe nằm bãi, thiếu tài xế… và chỉ có những doanh nghiệp nào quản trị tốt mới có thể duy trì hoạt động. Doanh nghiệp chưa kịp vui mừng trước việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15 năm 2022 của Chính phủ thì đã phải đối mặt với áp lực tăng giá xăng dầu.

Từ ngày 11/2, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 660 – 980 đồng/l. Cụ thể, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng/l (tăng 980 đồng); A95 là 25.320 đồng/l (tăng thêm 960 đồng); dầu hoả là 18.750 đồng/l (tăng 960 đồng), dầu diesel là 19.860 đồng/l (tăng 960 đồng), dầu mazut là 17.650 đồng/kg (tăng 660 đồng)… Theo thống kê, lần gần nhất giá xăng dầu tăng cao là giai đoạn năm 2014. Việc giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Trí (Quận 1) cho biết, thời gian qua doanh nghiệp hoạt động cầm chừng khoảng 70% công suất, đã tiết giảm mọi chi phí để duy trì hoạt động. Nhưng giá nhiên liệu, phí thuế cầu đường... doanh nghiệp không chủ động được nên cần phải có chính sách điều hành phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Xăng dầu chiếm khoảng 28 – 33% giá thành vận tải nên khi giá mặt hàng này tăng dẫn đến chi phí vận tải tăng và ở đây người chịu thiệt không chỉ là doanh nghiệp mà còn khách hàng. Ông Lê Trung Hiếu cho biết thêm, doanh nghiệp vận tải hiện nay phải rất cố gắng, bởi mới ăn Tết Nguyên đán xong rất “ngại” làm việc lại với khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chỉ có thể gồng tới tháng 3/2022.

“Hiện tại phần cầu đường và xăng dầu doanh nghiệp không chủ động. Các doanh nghiệp đều thả nước lên thuyền lên thôi. BOT cầu đường tăng, dầu tăng mà trong tháng này không giảm xuống thì đến đầu tháng 3/2022 doanh nghiệp cũng tăng giá và cuối cùng khách hàng phải chịu chứ nhà xe không thể chịu tiếp” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Cân đối sử dụng hợp lý quỹ bình ổn

Tương tự, với doanh nghiệp vận tải hành khách, chi phí nhiên liệu cũng chiếm % tương đối lớn. Do đó mỗi lần xăng dầu tăng giá là doanh nghiệp “khốn đốn” theo. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động vận tải hành khách vừa mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng thì đây là một đòn giáng khá mạnh.

Theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, hoạt động của công ty đến nay mới chỉ đạt 50% so với trước kia nên giá xăng tăng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

“Ngành vận tải sẽ bị ảnh hưởng vì giá nguyên liệu tác động lớn đến việc vận doanh, công ty sẽ có phương án để điều chỉnh cho hợp lý” - ông Đào Viết Ánh nói.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, quy luật tự nhiên là “xăng tăng – giá tăng” nên hành khách sẽ là người phải gánh. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đi lại mới phục hồi, doanh nghiệp vận tải sẽ không thể tăng giá ngay bởi như thế có thể “dập tắt” sự phục hồi. Hiện nay dịch COVID-19 tuy đã được khống chế nhưng với sự xuất hiện của biến chủng Omicron nên tâm lý đi lại của người dân có phần dè dặt, nên nếu tăng giá sẽ làm mất khách.

Do đó, ông Lê Trung Tính đề xuất liên bộ Công thương – Tài chính cần cân nhắc, tính toán xuất quỹ bình ổn hợp lý: “Sau đại dịch nên vận tải hàng hoá hay hành khách mới phục hồi và đều yếu hết. Thời điểm này, tăng giá cước không phù hợp nên chỉ có một con đường duy nhất là Nhà nước phải can thiệp như là xuất Quỹ bình ổn xăng dầu bù vào để làm giá xăng dầu giảm bớt, tiệm cận thị trường, giúp ngành vận tải phục hồi. Mà ngành vận tải phục hồi thì nền kinh tế mới phục hồi”.

Ngoài ra, ông Lê Trung Tính đề xuất cần phải gỡ khó cho giá xăng dầu khi hiện nay các loại thuế phí chiếm đến hơn 60% giá thành mỗi lít xăng dầu. Nếu giải được bài toán này cũng sẽ góp phần giúp bình ổn giá nhiên liệu, qua đó giúp các doanh nghiệp có cơ hội hồi phục nhanh.

Rõ ràng, những biến động của giá xăng dầu vừa qua với những hệ luỵ như câu chuyện “găm hàng” khi giá xăng tăng đã được dự báo trước. Việc không điều chỉnh giá trong đợt điều chỉnh ngày mùng 1/2/2022 (trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) đã khiến cho nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Do đó, các ngành chức năng cần cân nhắc, tính toán hợp lý để làm sao doanh nghiệp không cảm thấy bị tổn thương trong quá trình phục hồi./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục tại nhiều địa phương
Ngày 9/2, Việt Nam ghi nhận 23.956 ca COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu về số ca mắc mới, với gần 3.000 ca. Trong ngày, cả nước có 93 trường hợp tử vong.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu tăng kỷ lục gây tổn thương cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp