Rất vui khi hai bạn đến nhà chơi, một chuyên viên tin học làm việc ở công ty điện thoại và một thầy giáo dạy tiếng Anh. Anh chuyên viên nói với tôi về dấu trong chữ quốc ngữ, khi anh sử dụng kiểu gõ Telex ở bàn phím, dùng ký hiệu chữ thay ký hiệu dấu, rồi đưa ý kiến về sự phức tạp khi dùng tiếng Việt.

Tôi lái câu chuyện sang hướng khác, nói với anh, tiếng Việt có phức tạp đó, nhưng theo tôi nên dùng từ phong phú hay hơn. Tôi không phải nhà ngôn ngữ, nhưng cũng như mọi người Việt nói tiếng Việt với nhau, nếu dừng lại suy ngẫm một tí sẽ thấy nó thâm thúy vô cùng, khó có tiếng nước nào linh hoạt và độc đáo như tiếng Việt. Anh cười và nói trêu rằng tôi có tinh thần dân tộc cao. Tôi nói bất cứ dân tộc nào người ta cũng đều thấy tiếng mẹ đẻ của dân tộc họ là hay là đẹp, nhưng riêng tiếng Việt thì vô cùng phong phú uyển chuyển khi vận dụng nó vào trong giao tiếp. Anh bảo tôi cho vài ví dụ về sự linh hoạt, độc đáo. Thấy tôi ngồi im lặng, anh cười nhắc lại như thúc giục: Ví dụ đi. Tôi nói: Ngay cụm từ anh vừa nói đó. Anh trợn mắt: Tôi nói anh “ví dụ đi” có gì mà phong phú, linh hoạt hay độc đáo? Thì cái từ “đi” anh vừa dùng đó. Tôi vào kệ lấy cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đưa anh xem, gần 3 trang – 2 cột, giải thích về từ “đi”, với 18 trường hợp sử dụng. Từ chỗ giải thích nghĩa gốc của từ “đi” về người và động vật, “đi” là tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng vừa có chân tựa trên mặt đất, vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác. Trẻ đi chưa vững. Đi bách bộ, Chân đi chữ bát, Cho ngựa đi thong thả bước một… Cho đến việc sử dụng từ “đi” để biểu lộ cảm xúc, biểu thị ý nhấn mạnh về một mức độ, hết sức cao: Thích quá đi chứ! Mê tít đi. Rõ quá đi rồi, còn gì phải hỏi nữa! Dân gian cũng sử dụng từ “đi” chuyển nghĩa tinh tế mà dễ hiểu: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”.

tu-dien.jpg

Thấy anh bạn chăm chú vào cuốn từ điển lâu quá, thầy giáo dạy tiếng Anh cười hỏi: Đọc hết chưa? Tôi nói thêm, chỉ một từ “đi” thôi mà biểu hiện đến muôn màu với bao biểu hiện cảm xúc khác nhau, nó chuyên chở biểu đạt cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Gặp chuyện không hay, người ta dùng từ “đi” để giảm bớt sự đau thương, nói: Ông ấy đã đi rồi (mà không nói chết rồi), hoặc nói tránh sự thô tục: Cháu nó đi ngoài nhiều quá! (mà không nói nó ỉa). Khi thể hiện sự căm ghét, tức giận: Cút đi! Chết đi! Khi động viên, khích lệ: Ăn đi, hát đi; thể hiện niềm vui trong ngày cưới với đôi vợ chồng mới: Hôn đi! Khi tỏ tình trìu mến: Mình yêu nhau đi em! Người ta sử dụng từ “đi” với thiên hình vạn trạng, từ nghĩa cụ thể đi bằng chân của động vật đến nghĩa biểu tượng mơ hồ: Ôi giọng hát đi vào lòng người êm ái quá!

Anh bạn tin học gấp cuốn từ điển lại, khích lệ tôi nói tiếp. Biết các bạn muốn nghe về lĩnh vực này, tôi hứng khởi: Ấy là khi từ “đi” không còn là hoạt động của loài động vật nữa, nhiều khi người ta dùng nó gợi lên cho người nghe, người đọc một cảm giác mơ màng không rõ nét, nhất là trong văn chương nghệ thuật. “Đò đi, bến vẫn đợi đò/ Để thơ say cả bến bờ tương tư/ Thu đi không tiếng giã từ/ Đông về che nắng mây mù mịt mây” (Bến vẫn đợi đò – Phạm Hải Đăng). “Đò” mà đi, còn “thu đi” mới trừu tượng làm sao! Nói về sự tiếc rẻ thời gian, những gì tốt đẹp nhất đã trôi qua không bao giờ trở lại: “Mà nghe nỗi đắng ôm ghì/ Tuổi xuân phơi phới qua đi nghẹn ngào” (Bến đợi – Song Linh). Có khi nhắn gửi nỗi lòng sâu kín của mình với người mình yêu: “Chiều đông con nắng đi hoang/ Trời còn mưa nắng ta còn nhớ em” (Chiều hoang – Võ Ngọc Cẩn). Nói con nắng mà đi hoang nghe nó mơ hồ, nhưng lại gợi lên tâm trạng từ ngoại cảnh nắng chiều kia dẫu không phương hướng có đi hoang thì lòng người – tức lòng anh, vẫn không bao giờ thay đổi. Nhà thơ Chế Lan Viên nói: “Em đi, như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết” (Tình ca ban mai). Một sự so sánh nghe ra vô cùng khập khiễng, nhưng chẳng mấy ai bắt bẽ câu thơ so sánh này, mà khi đọc lại nghe thích thú. Em đi rồi giống như ngày sắp tắt, ánh sáng sắp chìm vào bóng đêm, chim rừng cũng bay đi tìm nơi trú ngụ, tiếng hót líu lo vui nhộn không còn, để lại không gian buồn vắng vẻ làm sao khi không còn có em ở đó!

Đến đây, tôi dừng lại thăm dò phản ứng của hai bạn. Thầy tiếng Anh nói: Tiếp đi. Tôi đọc khổ thơ của Nguyễn Duy: “Cái cò... sung chát đào chua.../ câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa). Tôi hỏi: Nếu thầy dịch từ “đi” trong câu cuối: “không đi hết mấy lời mẹ ru” thì dịch như thế nào? Thầy cười: Dĩ nhiên có cách dịch, nhưng không thể phiên nguyên gốc động từ đi ra tiếng Anh. Rồi thầy gật gù: Vấn đề này khá lý thú, gợi cho tôi nhiều suy nghĩ trong thời gian tới lưu ý hướng dẫn cho học trò, để các em so sánh, học tiếng nước ngoài còn để hiểu về tiếng mẹ đẻ của mình.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nguyễn Lê Khánh Nguyên – Đội viên gương mẫu, học giỏi
Vinh dự là 1 trong 2 học sinh của tỉnh nhận giải thưởng Kim Đồng năm học 2022 - 2023 do Trung ương Đoàn trao tặng, em Nguyễn Lê Khánh Nguyên – lớp 9G, trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo không ngừng nỗ lực, học tập, rèn luyện, tích cực đóng góp vào công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi và đi