Tham gia tố tụng cho người yếu thế. |
Đáp ứng quyền lợi người dân
Từ kết hôn, ly hôn cho đến những vụ việc tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật... khi có yêu cầu của người yếu thế trong diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh luôn đáp ứng tốt các hình thức trợ giúp như tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Chất lượng TGPL ngày càng được nâng lên, giúp những người yếu thế tiếp cận dịch vụ pháp luật miễn phí của Nhà nước một cách công bằng.
Nổi bật trong những năm gần đây là trung tâm phát huy tốt vai trò bào chữa trong quá trình tham gia tố tụng, những đối tượng thuộc diện được TGPL bị tạm giữ, tạm giam đã được giới thiệu, tìm đến sự trợ giúp của trung tâm. Người khuyết tật, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em... cũng đã và đang chủ động tìm đến trung tâm khi gặp vướng mắc về pháp lý.
Tính riêng 2 năm qua (2020 – 2021), mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, Trung tâm TGPL đã trợ giúp tổng cộng 120 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 111 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 6 vụ và 3 vụ tư vấn. So với những năm trước thì chưa bằng vì ảnh hưởng dịch nhưng đó cũng là nỗ lực lớn của trung tâm. Qua theo dõi, nhiều vụ việc TGPL đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhiều đối tượng được bào chữa thành công. Điển hình, vụ bé Trần Thị Ngọc Ý (SN 2007) ở khu phố 3, phường Lạc Đạo, TP.Phan Thiết trong vụ tranh chấp chia tài sản thuộc sở hữu chung. Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng là bà Nguyễn Thị Kiều Châu, nay là Giám đốc trung tâm, kết quả đã TGPL cho bé Ý được thừa hưởng một phần trong tài sản chung là căn nhà cấp 4 có diện tích hơn 65m2 của người cha qua đời để lại.
Ngoài ra, công tác tập huấn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ cho các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý được trung tâm chú trọng thực hiện. Trung tâm đã tập trung vào việc giới thiệu các văn bản pháp luật mới cho các trợ giúp viên, cộng tác viên và các kỹ năng tham gia tố tụng nhằm giúp cho người thực hiện TGPL cập nhật được các kiến thức pháp luật mới, bổ sung thêm kỹ năng, nghiệp vụ để áp dụng vào việc thực hiện vụ việc TGPL.
Luôn là địa chỉ tin cậy
Hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác TGPL, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp nên số lượng bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến trung tâm để TGPL ngày càng tăng. Các hoạt động truyền thông về TGPL cũng được đẩy mạnh; hoạt động của đường dây nóng về TGPL được duy trì; biên soạn chuyên mục thông tin về TGPL cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...
Theo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thời gian tới tiếp tục chú trọng tham gia tố tụng, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật trên các lĩnh vực theo quy định. Trong đó, tăng cường cử luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho nhân dân thuộc đối tượng được TGPL. Áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động TGPL, nhất là việc cập nhật các vụ việc TGPL lên phần mềm quản lý theo sự chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý. Phối hợp các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các chi nhánh tổ chức các đợt truyền thông và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tại các xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố nơi có đông đảo người khuyết tật, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… sinh sống.
Ninh Chinh