Với lợi thế sở hữu 130km bờ biển và cảng biển nước sâu Dung Quất, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển công nghiệp nặng, du lịch biển đảo... Hiện tại, KKT Dung Quất nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với tổng diện tích quy hoạch 45.332ha. Đây là KKT tổng hợp phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng, các dự án quy mô lớn... gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn và là cửa ngõ quan trọng cho xuất - nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cho biết, KKT Dung Quất là một trong nhóm 5 KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Hiện tại đã thu hút được các dự án công nghiệp có quy mô lớn, dự án trọng điểm quốc gia, tiêu biểu như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang đầu tư nâng cấp lên 8 triệu tấn/năm; Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 5,6 triệu tấn/năm; Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan với tổng mức vốn đầu tư 315 triệu USD. Định hướng đến năm 2030, đây là Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 7 KCN, trong đó có 5 KCN nằm trong KKT Dung Quất. Tính đến tháng 10/2023, có 348 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 391 nghìn tỷ đồng (tương đương 18,138 tỷ USD); trong đó có 60 dự án đầu tư FDI, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,997 tỷ USD và 288 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 345,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 16,141 tỷ USD) đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tham quan khu trưng bày sản phẩm tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi tại Bình Định, tháng 2/2023. Ảnh: PV |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển các nhóm mặt hàng nông sản chủ lực. Trong đó, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia: Lúa, gạo, sắn (mì), heo, tôm, gỗ... nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Bắp, rau, cây dược liệu, đậu phụng, cây ăn quả... Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 157 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao. Đặc biệt, có 2 điểm du lịch nông thôn được công nhận OCOP là Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ) đạt 3 sao và Điểm du lịch Thành cổ (TP.Quảng Ngãi) đạt OCOP 4 sao... Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tiềm năng để hình thành sản phẩm xuất khẩu, như chuối Nam Mỹ, bột ớt khô, tinh bột sắn và các mặt hàng thủy sản đông lạnh.
Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh giàu tiềm năng để hợp tác phát triển về trao đổi nhân lực với các đối tác nước ngoài. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã đưa gần 2.000 lao động đi nước ngoài, cung ứng cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó chủ yếu là thị trường Nhật Bản (khoảng 1.500 nhân sự).
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Quảng Ngãi tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đô thị và thương mại, dịch vụ tổng hợp; ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng hai động lực phát triển của tỉnh là KKT Dung Quất và các KCN trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: BÙI THANH TRUNG |
Đảo Lý Sơn. Ảnh: TRUNG BÙI |
Về không gian phát triển, Quảng Ngãi phân chia 6 vùng kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng động lực công nghiệp của tỉnh; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển, đảo.
Làng du lịch Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: TL |
Đồng thời, xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng là KKT Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; khu du lịch đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia.
Ba trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm (TP.Quảng Ngãi và vùng phụ cận); trung tâm đô thị phía bắc (TX.Bình Sơn và khu vực lân cận); trung tâm đô thị phía nam (TX.Đức phổ và vùng phụ cận). Tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh qua 4 hành lang kinh tế. Cụ thể là, hành lang kinh tế Bắc - Nam (Dung Quất - TP.Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); hành lang Đông - Tây phía bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc Quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang); hành lang Đông - Tây phía nam (dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y); hành lang kinh tế kết nối nội tỉnh, dọc theo Tỉnh lộ 622, 626 và Quốc lộ 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ.
Năm 2022, kết quả của các chỉ số đều có sự thăng hạng vượt bậc so với các địa phương trong cả nước. Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với năm 2021); chuyển đổi số xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021.
Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; là tỉnh phát triển công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và cụm công nghiệp tập trung...