Theo dõi trên

Diễn biến kịch tính của Cách mạng tháng Mười Nga kinh thiên động địa

21/10/2017, 07:58

Cuộc khởi nghĩa Bolshevik trong Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã diễn ra vô cùng kịch tính, trở thành mẫu mực cho các cuộc cách mạng XHCN sau này.

 (Trong bài này, lịch Nga cũ sẽ được ghi trước, lịch mới sẽ ghi trong ngoặc đơn).

Vào đêm 25/10 (7/11/1917), lực lượng Cận vệ Đỏ của đảng Bolshevik bắt đầu hành động, tiến chiếm các cơ quan chính quyền ở thủ đô Petrograd (tức Saint Petersburg ngày nay) của đế chế Nga. Sau đó họ đánh chiếm Cung điện Mùa Đông, nơi một số Bộ trưởng trong chính phủ lâm thời tư sản Kerensky đang tá túc.

                
      
      Tranh của Sokolov về    cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông trong Cách mạng tháng Mười Nga.

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, chính phủ lâm thời đã bị phế truất; các thành viên của chính phủ này hoặc bị bắt hoặc bỏ trốn.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền do những người Bolshevik tổ chức và tiến hành dưới danh nghĩa các Xô viết – các Xô viết này cũng đã được Bolshevik hóa để loại bỏ các thành phần Menshevik và các phần tử trung dung khác.

Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là một sự kiện có tính bản lề trong lịch sử thế giới với tầm ảnh hưởng lan tỏa trong suốt thế kỷ 20. Nước Nga và cả thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới.

Đảo chính phản tác dụng

Cuộc chính biến do tướng Kornilov tiến hành trước đó đã không cản bước được cách mạng; ngược lại, chính cuộc đảo chính này đã vô tình giúp vũ trang cho các Xô viết (hội đồng đại biểu công nông binh) và lực lượng Cận vệ Đỏ, cho phép phái Bolshevik hồi phục sau những tổn thất vào tháng 7 (khi họ nỗ lực cướp chính quyền và bị đàn áp). Mặc dù lãnh tụ Lenin của đảng Bolshevik vẫn đang lưu vong ở Phần Lan, các yếu nhân khác của đảng đã được thả tự do. Họ bắt đầu xúc tiến xây dựng lại tổ chức đảng, gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống chiến tranh và chống chính phủ, tranh thủ sự ủng hộ trong quần chúng. Nền móng cho cuộc cách mạng tháng Mười đã được gây dựng vào tháng Chín.

Việc chính phủ lâm thời tuyên bố tiếp tục chiến tranh đã làm xói mòn hơn nữa uy tín của họ, trong khi đảng Bolshevik lại được hưởng lợi từ điều này. Chỉ trong vòng một tháng, số lượng đảng viên Bolshevik tăng thêm 1/3. Vào cuối tháng 9, phe Bolshevik chiếm đa số trong cả Xô viết Moscow và Petrograd, một phần do đại biểu của họ có trình độ tổ chức tốt hơn, kỷ luật hơn và dự các cuộc bỏ phiếu đều đặn hơn đại biểu của các nhóm “xã hội chủ nghĩa” khác. Ngày 23/9, một đảng viên Bolshevik được bầu làm Chủ tịch Xô viết Petrograd.

Giành chính quyền hay là chết

Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin hối thúc cần phải giành chính quyền ngay. Nhà lãnh đạo Bolshevik này dù vẫn đang lẩn trốn ở Phần Lan trong suốt tháng 9 đã biên vô số thư gửi các đồng chí của mình ở trong nước, thúc giục họ lật đổ Chính phủ Lâm thời càng sớm càng tốt. Ông dùng lý lẽ để thuyết phục họ rằng chần chừ có nghĩa là chết. Lenin vạch ra cho họ một loạt kịch bản xấu. Chẳng hạn: (1) Thủ tướng Kerensky của Chính phủ Lâm thời có thể nghe theo một viên tướng “Kornilov” khác và đồng ý thiết quân luật. (2) Sự ủng hộ cho phái Bolshevik có thể lên đến đỉnh điểm rồi sụp đổ; (3) Thành phố Petrograd có thể rơi vào tay quân Đức (lúc đó Nga vẫn tham gia Thế chiến 1 chống Đức).

Trong nội bộ hàng ngũ cấp cao của đảng Bolshevik có một số cá nhân phản đối lời kêu gọi thống thiết này của Lenin về việc tiến hành cách mạng ngay. Cả Lev Kamenev và Grigory Zinoviev đều bác bỏ các lập luận của Lenin, cho đó là thái độ hoảng loạn. Những người này thiên về phương án thúc đẩy cuộc bầu cử sớm Quốc hội Lập hiến mà ở đó phe Bolshevik có thể tận dụng tốt sự ủng hộ đang lên dành cho họ. Những người phản đối này cho rằng lời kêu gọi làm cách mạng của Lenin là quá sớm và sẽ tạo ra một chính quyền Bolshevik mong manh, bị bao vây và rất ít cơ hội đứng vững được. Đa số đảng viên Bolshevik muốn chờ tới Đại hội thứ 2 của các Xô viết, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.

Ba tuần trước đại hội, Xô viết Petrograd chấp nhận giải pháp của Chủ tịch Xô viết này, kêu gọi thành lập một Ủy ban Quân sự Cách mạng (MRC). Chức năng của ủy ban này là tổ chức và giám sát lực lượng Cận vệ Đỏ (lực lượng vũ trang tình nguyện của công nhân và nông dân), lấy đó làm phương tiện bảo vệ Petrograd và Xô viết trước nguy cơ đảo chính quân sự hoặc một cuộc phản cách mạng. Ủy ban này gồm các thành viên chủ yếu là người Bolshevik và các đảng viên Cách mạng Xã hội Cánh tả cấp tiến. Chủ tịch của Ủy ban Quân sự Cách mạng này cũng là người của đảng Bolshevik.

Phe Bolshevik tích cực hoạt động để vũ trang cho các đơn vị Cận vệ Đỏ và đặt họ dưới sự kiểm soát của MRC. Các hoạt động của MRC được thông tin công khai trên các tờ báo cánh tả ở khu vực Petrograd.

Thủ tướng tư sản Kerensky ra đòn

Vào đầu ngày 24/10 (6/11/1917), Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Kerensky ra lệnh cho binh sĩ trung thành với mình, gồm một trung đoàn học viên sĩ quan và lực lượng dự bị, ra tay với các nhà cách mạng Bolshevik.

Nhóm quân nhân này mang theo trát bắt giữ Chủ tịch MRC và các thành viên khác của ủy ban này. Họ lục soát các tòa nhà nơi người Bolshevik sử dụng để thực hiện các ấn phẩm tuyên truyền, tiêu hủy các số báo và tịch thu hoặc phá hủy các thiết bị in ấn. Họ cũng cắt đứt đường dây điện thoại dẫn tới tổng hành dinh của đảng Bolshevik tại viện Smolny. Tuy nhiên, tin tức vẫn nhanh chóng bay đến Smolny.

MRC coi động thái trên của chính phủ Kerensky là bước đi đầu tiên trong cuộc phản cách mạng của phái hữu: “Người ta đang lên kế hoạch phản quốc nhằm vào Xô viết Petrograd”.

Ngay tới lúc này vẫn có một chút chia rẽ trong hàng ngũ Bolshevik về cách thức phản ứng. Một số đảng viên Bolshevik tin rằng Chính phủ Lâm thời mạnh hơn vẻ bề ngoài và vẫn có thể lôi kéo các đơn vị quân đội trung thành. Họ cho rằng MRC nên chuẩn bị và củng cố lực lượng vũ trang trong tay mình thay vì tiến hành một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Trong khi đó, Kerensky nỗ lực tập hợp sự ủng hộ chính trị cho chính phủ của mình, nhưng kết quả hầu như không đáng kể.

Tiếng súng Rạng Đông

Quá trình tiến chiếm thủ đô Petrograd của quân cách mạng bắt đầu vào sáng ngày 25/10 (7/11). Đây là thời điểm Lenin đã về tới viện Smolny sau nhiều tuần lẩn trốn sự lùng bắt của chính quyền tư sản Nga.

Về phía mình, Kerensky cũng khẩn trương hành động. Từ Cung điện Mùa Đông, ông ta phóng ô tô ra tuyến đầu, trong nỗ lực lôi kéo thêm binh sĩ bảo vệ chính phủ.

Trong ngày 25/10 (7/11), các đội Cận vệ Đỏ và binh sĩ trung thành với Xô viết bắt đầu tiến quân, đánh chiếm các cơ sở xung yếu như các tòa nhà chính quyền, trạm điện tín, cầu, trục đường chính, và kho vũ khí.

Mục tiêu lớn nhất đương nhiên là Cung điện Mùa Đông, nơi đặt trụ sở của Chính phủ Lâm thời và nơi ở của nhiều bộ trưởng và quan chức tư sản Nga. Nơi này được bảo vệ lỏng lẻo bởi khoảng 3.000 sĩ quan, học viên sĩ quan, quân nhân dự bị và lực lượng Cossack. Nhà báo Mỹ nổi tiếng John Reed len được vào đây vào chiều 25/10 (7/11) cho biết, quân phòng ngự ở đây gồm những kẻ say rượu, đói ăn và rất khổ sở. Trong khi đó, quân cách mạng tập kết xung quanh, vây chặt Cung điện và chỉ đợi lệnh tấn công.

Cuối cùng lệnh tấn công đã được phát đi vào buổi tối hôm đó. Vào lúc 21h45, các thủy thủ từ quân cảng Kronstadt khai hỏa pháo trên tuần dương hạm Rạng Đông để làm tín hiệu cho cuộc tấn công này. Lập tức pháo từ bên kia sông Neva bắn cấp tập vào Cung điện, trong khi lực lượng Cận vệ Đỏ bắt đầu nhả đạn vào các vị trí phòng thủ của khu nhà này.

Lực lượng bảo vệ Cung điện không còn mấy sức để chống trả. Nhiều người trong số họ bỏ vị trí, chạy trốn hoặc gia nhập hàng ngũ của lực lượng tấn công.

Khi lực lượng Bolshevik ồ ạt lao qua các lối vào, các bộ trưởng Chính phủ Lâm thời ngồi đợi điều không thể tránh khỏi. Các bộ trưởng này bị bắt vào thời điểm 4 tiếng đồng hồ sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Quá trình này bị chậm lại do quân khởi nghĩa mất nhiều thời gian để tìm kiếm trong 1.500 căn phòng của Cung điện rộng lớn.

Đại hội Xô viết giữa lúc khởi nghĩa

Trong lúc tiếng súng vang dội khắp Petrograd, Đại hội 2 của Xô viết Nga khai mạc tại đại sảnh ở viện Smolny. Phe Bolshevik có khoảng 300 đại biểu, các đồng minh Cách mạng Xã hội Cánh tả của họ có chừng 80 đại biểu. Điều này mang lại cho họ một đa số nhỏ trong Đại hội có tổng cộng 670 đại biểu.

                
      
      Lenin phát biểu lần    đầu tiên tại Đại hội Xô viết, vào ngày 26/10 (8/11/1917). Tranh:    Serov.

Mặc dầu vậy, cuộc họp mở đầu bằng những diễn văn gay gắt của phe Menshevik và Cách mạng Xã hội trung dung, những người đã lên án phe Bolshevik là giành chính quyền một cách bất hợp pháp. Họ cho rằng điều này sẽ kích hoạt một cuộc phản cách mạng quân sự đe dọa tương lai của cách mạng và Quốc hội Lập hiến.

Sau các tranh luận nảy lửa, các đại biểu Menshevik và trung dung bỏ Đại hội ra về để phản đối cuộc khởi nghĩa và việc phe Bolshevik từ chối thỏa hiệp. Đây là một sai lầm chết người nữa của phe Menshevik vì điều này giúp các Xô viết nằm trọn trong tay đảng Bolshevik.

Đại hội Xô viết tiếp diễn trong vài tiếng đồng hồ nữa, thi thoảng lại bị ngưng để tiếp nhận các tin tức tốt lành, như các thông tin về việc quân cách mạng đã chiếm được Cung điện Mùa Đông.

Cuối cùng nghị quyết do Lenin soạn thảo trước đó đã được Đại hội thông qua mà hầu như không vấp phải sự phản đối nào.

Nghị quyết có nội dung: Chính phủ Xô viết sẽ đề xuất hòa bình tức khắc với tất cả nước, trao đất cho nông dân, trao quyền kiểm soát sản xuất cho công nhân, bảo đảm quyền lợi cho binh sĩ, cung cấp bánh mì cho thành phố, nhu yếu phẩm cho làng mạc, bảo đảm các dân tộc trong nước Nga hưởng quyền tự quyết thực thụ. Đại hội chuẩn y rằng tất cả quyền lực ở các địa phương sẽ chuyển giao cho các Xô viết đại biểu Công nhân, Nông dân và Binh sĩ.

Đại hội Xô viết thứ 2 nối lại hoạt động vào đêm tiếp theo – 26/10 (8/11), lần này với sự tham dự của Lenin. Tại Đại hội, Lenin thông báo với các cử tọa rằng giờ họ đã làm chủ nước Nga với tư cách là quần chúng lao động và họ đang đứng ở tuyến đầu của phong trào cách mạng quốc tế đang lớn mạnh. Đại hội sau đó thảo luận và thông qua các sắc lệnh Xô viết đầu tiên về hòa bình và đất đai. Lenin và các đồng chí Bolshevik đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc tạo ra một nước Nga xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ bắt đầu. Việc giành chính quyền dẫu sao vẫn dễ hơn nhiều so với việc chuyển đổi cả một đất nước rộng lớn và khá lạc hậu.

Trung Hiếu/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diễn biến kịch tính của Cách mạng tháng Mười Nga kinh thiên động địa