Theo dõi trên

Diệt muỗi để phòng vi rút Zika

18/02/2016, 08:48

BT- Gần đây, nhiều quốc gia quan tâm đối với vi rút Zika có liên quan đến chứng bệnh tật đầu nhỏ bẩm sinh ở trẻ. Trong đó, tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh vi rút Zika đều là loài muỗi Aedes.

Tràn lan nhiều quốc gia

Theo Bộ Y tế, số người mắc vi rút Zika đã được ghi nhận tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ như Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brasil… đang có xu hướng gia tăng sự lan truyền vi rút này. Trung Quốc đã thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika xâm nhập về từ vùng dịch. Đây là người đàn ông ở tỉnh Giang Tây - 34 tuổi, đến Venezuela du lịch và sau đó trở về Trung Quốc. Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị và cách ly tại bệnh viện.

Bác sĩ Hoàng Văn Hùng  - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết “Bình Thuận hiện nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút  Zika. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi mang vi rút Zika đốt truyền vi rút sang người lành. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm aedes, chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti”

Chưa ghi nhận ca tử vong

Theo bác sĩ Hùng, từ 60- 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Trường hợp bệnh nghi ngờ có biểu hiện như sốt, phát ban trên da kèm theo viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Và có tiền sử ở/đi/đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh do vi rút Zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát. Hiện nay, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm vi rút Zika. Hiện nay, WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của vi rút Zika với hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barré.

Vấn đề đặt ra tật đầu nhỏ của thai nhi do vi rút Zika có thể chẩn đoán được trong thai kỳ không? Bác sĩ Võ Văn Hạnh – Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết “Dị tật bẩm sinh trong đó có tật đầu nhỏ của thai nhi có thể phát hiện trong thai kỳ. Để phát hiện dị tật là quá trình theo dõi liên tục. Nếu nghi ngờ có dị tật khi siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm... Vì vậy, các bà mẹ mang thai phải thường xuyên khám thai định kỳ để bác sĩ dễ theo dõi và sớm phát hiện dị tật”. 

Diệt muỗi để phòng vi rút Zika

Hiện nay, bệnh do vi rút ZIKA chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh; do đó, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút ZIKA xâm nhập và lây lan tại Bình Thuận, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo: Hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch ... Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân. Theo dõi tình trạng sức khỏe người về từ vùng dịch trong vòng 12 ngày, có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika của Bộ Y tế trên website: http://moh.gov.vn, http://vncdc.gov.vn và các nguồn thông tin chính thức khác.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diệt muỗi để phòng vi rút Zika