Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng thảo luận tại tổ 3 gồm các tỉnh: Bình Thuận, Bắc Kạn, Đà Nẵng và Tây Ninh.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đa số các ĐBQH cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông quan tâm đến các nội dung còn tồn tại. Đáng chú ý là vấn đề sốt đất tại các địa phương hiện nay. Theo đại biểu Thông, thực trạng xã hội tại địa phương, khi sốt đất sẽ khiến giá đất tăng và không giảm. Người dân khi có nhu cầu sử dụng đất sẽ trao đổi, mua bán làm giá đất tăng lên. Đơn cử có tình trạng người nông dân tách thửa, bán đất chia cho con cái được số tiền lớn, sau đó không dùng tiền bán được đầu tư kinh doanh, sản xuất mà đổ vào phục vụ sinh hoạt, mua sắm, ăn chơi tạo ra một sức ép đối với xã hội. Do vậy, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp căn cơ đối với vấn đề này.
Mặt khác, đại biểu Thông nêu rõ, trong kỳ chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương đã nêu hiện đang làm đề án dự trữ xăng dầu cả nước. Tuy nhiên qua theo dõi đến thời điểm này vẫn chưa có đề án trong khi giá xăng dầu liên tục tăng, cử tri mong mỏi sớm có giải pháp bình ổn giá cả xăng dầu để yên tâm sản xuất.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh cho rằng, mặc dù đã ban hành Nghị quyết 88 về tập trung phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Người dân, cử tri chưa thấy được hiệu quả của Nghị quyết khi ban hành. Mặt khác, đại biểu Linh cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên rà soát các chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi. Ví dụ khu sinh hoạt, nhà cộng đồng, việc xây dựng chợ, nhiều nơi còn lãng phí, chưa thực tế do thực hiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đề nghị Bộ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc.
Xung quanh vấn đề Giáo dục, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa môn lịch sử vào bắt buộc. Đồng thời cần đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp đánh giá học tập, đẩy mạnh tinh thần tự nghiên cứu, tự học tập để khuyến khích học sinh học sử.
Thảo luận nội dung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyên, báo cáo Chính phủ chỉ ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 còn gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện quy phạm pháp luật dẫn đến kéo dài thời hạn của toàn bộ Nghị quyết. Do đó, đại biểu Nguyên đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ chức năng nhiệm vụ, trong năm 2022 khẩn trương có văn bản hướng dẫn thực thi nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 42…