Theo dõi trên

Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh

13/12/2021, 16:30

Chiều 13/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì hội nghị. Cùng dự có ông Phan Văn Đăng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở ban ngành.

Theo Sở Nội vụ, thời gian qua việc sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm kinh phí hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Đồng thời, HĐND  tỉnh đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ thôi việc cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC, tạo cơ chế thuận lợi để các địa phương vận động, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, việc sáp nhập các ĐVHC sẽ tăng quy mô, đối tượng quản lý nên ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý nhà nước, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân. Kinh phí giải quyết chính sách hỗ trợ thôi việc cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC ở cấp huyện còn khó khăn, phải bổ sung từ ngân sách tỉnh nên việc chi trả chế độ có nơi chưa kịp thời.

Theo báo cáo, UBND tỉnh đã chủ động phê duyệt kinh phí xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với tổng số tiền là 705,62 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh bạn (tổng chi phí lập hồ sơ, Đề án và chi phí khác của 45 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập ĐVHC là 79,16 tỷ đồng). Kinh phí giải quyết thôi việc đối với cán bộ, công chức dôi dư là 1,238 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ cho các địa phương giải quyết chế độ hỗ trợ dôi dư theo Nghị quyết của HĐND  tỉnh là 4,631 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nhấn mạnh những kết quả đạt được và một số kiến nghị để việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030 được thuận lợi hơn.  Bình Thuận tuy không thuộc diện bắt buộc sắp xếp theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh  đã thực hiện rất tốt chủ trương trên gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

dsc08377.jpg
Ông Phan Văn Đăng -  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

UBND tỉnh cũng kiến nghị, sớm ban hành hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đến giai đoạn 2022 – 2030. Quy định cụ thể việc xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức, viên chức cấp huyện trở lên đối với các ĐVHC cấp xã sáp nhập theo hướng linh hoạt hơn ở các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, thời gian công tác,... Đối với phường, thị trấn sau khi sáp nhập có quy mô dân số đông, khối lượng công việc lớn, số thủ tục hành chính giải quyết tăng nhiều thì đề nghị Chính phủ quy định tăng thêm số lượng công chức ngoài số lượng được xác định theo phân loại ĐVHC tại Nghị định số 34/2019 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong sáp nhập, cần có quy định linh hoạt để khuyến khích sáp nhập như trường hợp sáp nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị thì không áp dụng tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị, trường hợp sáp nhập hai ĐVHC trở lên để thành lập một ĐVHC mới thì không áp dụng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số ở ĐVHC mới thành lập.

dsc08369.jpg
Ông Nguyễn Hũu Thông - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những kết quả đạt được của UBND tỉnh trong việc sáp nhập ĐVHC, ghi nhận những vướng mắc mà UBND tỉnh đã kiến nghị và sẽ tiếp thu để trình  Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Trong quá trình thực hiện đã khảo sát ý kiến người dân đều nhận được sự đồng thuận.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nhìn nhận: Cũng còn những tồn tại, khó khăn như: việc xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp bố trí nhân sự ĐVHC mới của huyện có chậm tiến độ so với quy định của Sở Nội vụ, do phải thực hiện từng bước ở nhiều cấp, nhiều cơ quan. Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập ĐVHC gặp khó khăn, do phần lớn cán bộ, công chức còn trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn, là lao động chính trong gia đình nên không muốn nghỉ việc, những trường hợp thuộc diện dôi dư có tâm lý luân chuyển đi nơi khác nên họ chưa thật sự yên tâm công tác. Nhìn chung, qua kết quả sáp nhập các ĐVHC cấp xã ở huyện đã đạt được mục tiêu chung giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm kinh phí hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cũng như chi cho đầu tư phát triển của địa phương ngày có điều kiện phát triển hơn ở ĐVHC mới.

dsc08368.jpg
Các thành viên đoàn giám sát Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận

QUANG NHÂN

Bài liên quan
Bên lề kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XI: Linh hoạt tổ chức hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến
Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định chọn hình thức tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh và trực tuyến đến các địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh