Theo dõi trên

Doanh nghiệp định hướng phát triển khoa học công nghệ từ đầu

21/11/2024, 05:35

Doanh nghiệp KH&CN được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; có năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN; có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định (30% tổng doanh thu của doanh nghiệp có “hàm lượng” KH&CN).

Khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

Tại hội nghị hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) mới đây, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Mai Thanh Nga cho biết, thông qua hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để thành lập, quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp theo loại hình này, hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định. Doanh nghiệp hoạt động theo hướng này nằm trong Chương trình phát triển thị trường KH&CN của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, nhất là những mặt hàng có lợi thế như: thanh long, chế biến hải sản, cao su, mủ trôm, sầu riêng, nhãn xuồng... Doanh nghiệp chủ động đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, hình thành doanh nghiệp KH&CN theo xu hướng chuyển đổi xanh của Chính phủ.

img_5406.jpg
TS. Phạm Thị Hông Phượng, Trưởng làng Ecotech - Techfest Quốc gia hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học & công nghệ

Phía Sở KH&CN sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của Nhà nước; tham gia các chương trình, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh tăng dần doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này. Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp KH&CN: Công ty TNHH Thanh long Bình Thuận, Công ty TNHH Công nghệ Việt Nhật BIO và Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà.

img_4094.jpg
Thạc sĩ Hồ Trinh với sản phẩm từ khoa học và công nghệ.

TS.Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng làng Ecotech – Techfest Quốc gia, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp & Chuyển giao công nghệ (CIETT) Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Các doanh nghiệp cần có định hướng phát triển doanh nghiệp KH&CN, tận dụng kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, bằng sáng chế, “hàm lượng” KH&CN trong sản phẩm để xây dựng phát triển doanh nghiệp KH&CN. Việc đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp KH&CN; cách thức, phương pháp trở thành doanh nghiệp KH&CN; giải pháp giúp doanh nghiệp KH&CN duy trì, phát triển sáng chế; tài sản trí tuệ, những ưu thế trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Cùng đó doanh nghiệp KH&CN được hưởng các chính sách ưu đãi trong miễn giảm thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ, theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ; cụ thể hóa Thông tư số 03/2021 ngày 11/1/2021 của Bộ Tài chính. Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo”.

img_5423.jpg
Ông Lê Quang Huy chia sẻ hướng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Nỗ lực từ chính doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong, ngoài nước để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Là doanh nghiệp KH&CN, ông Lê Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Bình Thuận chia sẻ: “Ðặc điểm kinh doanh sản phẩm sáng chế của doanh nghiệp KH&CN thường gặp nhiều khó khăn, bởi đây là sản phẩm mọi người chưa biết, thị trường chưa tiêu thụ. Do đó, doanh nghiệp khó tìm được vật liệu để tiến hành sản xuất thử, khó thực hiện thiết kế và định hình quy trình sản xuất. Một sản phẩm sáng chế phải qua quá trình làm việc tìm giải pháp, thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) với chi phí rất nhiều, lặp lại nhiều lần, vượt qua các lần thất bại để tạo ra sản phẩm cuối. Bản thân doanh nghiệp cần định hướng phát triển doanh nghiệp KH&CN mới đi đến thành công”. Các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể hỗ trợ hiệu quả, các đơn vị liên quan cần dựa trên phân tích những khó khăn, thuận lợi khi một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH&CN, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, phát huy tốt việc áp dụng những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa góp phần giúp doanh nghiệp đạt được các điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Doanh nghiệp KH&CN được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; có năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN; có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định (30% tổng doanh thu của doanh nghiệp có “hàm lượng” KH&CN).

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục phát sinh và lây lan trong cả nước, trong đó bệnh dại với 199 ổ dịch bệnh dại ở 35 tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, đây cũng là thời gian cao điểm các địa phương triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, tránh lây lan dịch bệnh, điển hình tại TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp định hướng phát triển khoa học công nghệ từ đầu