Hội nghị trực tuyến diễn ra vào sáng 14/9 tại Trụ sở Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện 680 doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì, cùng sự tham dự của các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp nhà nước trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta xác định, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 8 tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới, nhưng kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà phát triển trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm 6 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Riêng tại Bình Thuận, UBND tỉnh cho biết, doanh thu thực hiện ước 8 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết là 4.313,45 tỷ đồng, đạt 97,07% so với kế hoạch năm; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi 64,715 tỷ đồng, đạt 34,06%; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận là 38,099 tỷ đồng, đạt 60,46%. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh là 1,813 tỷ đồng, đạt 31,39% so với kế hoạch năm 2023. Ngoài ra, các Công ty cổ phần có vốn Nhà nước ước doanh thu thực hiện đến ngày 31/8 gồm Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận là 180,214 tỷ đồng, đạt 62,23% so kế hoạch năm. Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận 60,357 tỷ đồng, đạt 67,12% so với kế hoạch năm 2023… Liên quan đến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay việc quy định lập, gửi, phê duyệt, quyết định, công khai kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính và các chỉ tiêu đánh giá xếp loại doanh nghiệp chưa có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể, trùng lắp trong thẩm quyền phê duyệt, kể cả thời gian thực hiện tại các địa phương cũng chưa có sự thống nhất. Trong danh mục ưu đãi vay ngân hàng, đề nghị Chính phủ can thiệp, hỗ trợ đưa danh mục trồng rừng và chế biến gỗ để được hỗ trợ vay vốn trung, dài hạn tại các ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp lâm nghiệp và ngân hàng kết nối hỗ trợ để phát triển…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DNNN đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. DNNN đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, tái cơ cấu DNNN cần sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước. Riêng các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm…