Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư này. Là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, tôi xin được góp ý kiến.
So với chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 2/2/2021 đã có tới 5 điểm mới mà đáng chú ý nhất là đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.
Nếu như trước đây, giáo viên trong một cấp học thường được gọi chung là giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông thì nay đã có thứ hạng để phân biệt. Ví như giáo viên tiểu học (trung học) hạng I, hạng II hoặc hạng III.
Khi nghe gọi giáo viên xếp theo hạng, nếu có con học ở trường ấy ai mà chẳng muốn con mình được học với những thầy cô giáo hạng I hoặc chí ít cũng hạng II? Có ai muốn con phải học thầy cô giáo xếp ở hạng III?
Chưa hiểu thực hư nhưng chỉ nghe gọi tên đã có sự phân biệt đối xử, sự coi thường. Điều vô lý ở chỗ giáo viên có cùng trình độ đào tạo, cùng các loại chứng chỉ, cùng chung nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh, cùng chịu một kết quả giáo dục… Tuy nhiên, lại bị phân chia thành từng hạng. Mỗi hạng sẽ có một mức lương khác nhau, sự chênh lệch cũng không hề nhỏ. Nếu việc phân hạng như này, được căn cứ vào năng lực phẩm chất của thầy cô, được đánh giá một cách công bằng và khách quan sẽ không có điều gì đáng nói.
Đằng này, việc xếp hạng giáo viên hiện nay theo chùm các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, đang bộc lộ nhiều tính hên xui. Vì thế, xếp hạng giáo viên sẽ xảy ra nhiều bất công cho những thầy cô giáo có đủ năng lực, phẩm chất nhưng lại thiếu đi một chút may mắn.
Ví như, có những giáo viên có năng lực, có kỹ năng sư phạm nổi trội nhưng không được lòng hiệu trưởng hoặc thiếu đi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, hay đang trong giai đoạn bổ sung bằng đại học sẽ được xếp ở giáo viên hạng III. Ngược lại, có những thầy cô giáo năng lực làng nhàng nhưng có đủ chứng chỉ lại được lòng hiệu trưởng nên được xếp ở giáo viên hạng II, thậm chí giáo viên hạng I. Thế là danh tiếng cũng như quyền lợi đều vượt trội so với những giáo viên khác. Trong thực tế, điều phi lý này đang xảy ra. Việc phân chia hạng giáo viên như vậy cũng làm không ít thầy cô giáo chạnh lòng khi mình không thua kém thậm chí còn vượt trội hơn đồng nghiệp về mọi mặt nhưng vẫn thua kém về thứ hạng. Thế rồi, sự bức xúc, chán nản xuất hiện và dễ dẫn đến việc buông xuôi trong công việc hàng ngày.
Ai cũng biết sản phẩm của ngành giáo dục là học sinh. Vậy tại sao người ta không lấy chất lượng học sinh để làm chuẩn, làm thước đo đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên?
Chúng tôi cho rằng, môi trường giáo dục nên có sự công bằng và minh bạch mà việc làm đầu tiên cần phải bỏ ngay sự xếp hạng các nhà giáo như hiện nay.