Theo dõi trên

Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 2

06/09/2023, 05:18

Bài 2: Phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp

Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm, phát triển Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hệ thống trường lớp ở các cấp học trong tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp, sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Niềm vui ngôi trường mới

Trong niềm phấn khởi, hân hoan của ngày khai trường, thầy và trò Trường tiểu học Hàm Cần 1 (Hàm Thuận Nam) được nhân đôi niềm vui khi năm học mới 2023-2024, khối phòng hành chính quản trị 2 tầng được xây mới và trang bị đầy đủ các thiết bị bên trong được đưa vào sử dụng. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư xây dựng 6,3 tỷ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Trước đó, trường cũng đã được đầu tư xây mới 10 phòng học khang trang, bề thế và hiện đại từ nguồn vốn ngân sách huyện với tổng kinh phí đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng. Đặc biệt, chúng tôi khá ấn tượng với nhà vệ sinh của học sinh được làm bằng “gạch sinh thái” mới lạ, đẹp mắt và sạch sẽ do Tỉnh đoàn hỗ trợ xây dựng với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Từ nhiều nguồn vốn và xã hội hóa Trường tiểu học Hàm Cần 1 được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu dạy và học.

6df5cb8f-c941-48c3-aac0-17df105bbe82.jpeg

Trường tiểu học Hàm Cần 1 có tổng số học sinh 228 em, chủ yếu người dân tộc thiểu số Rai. Trường có 2 phân hiệu, điểm lẻ có 75 học sinh/3 lớp, điểm chính có 153 học sinh/7 lớp. Cô Nguyễn Thị Kim Loan - Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Trước đây, cơ sở vật chất trường lớp tại điểm chính do xây dựng quá lâu nên đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa thì dột nát, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế không còn nguyên… ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị tài trợ trường học bây giờ được xây mới khang trang và được đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại như phòng máy vi tính, ti vi màn hình lớn treo ở tất cả các lớp học... đáp ứng chương trình dạy học mới”. Bên cạnh đó, những năm học qua, nhà trường đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, vận động nhiều nguồn lực như hỗ trợ bữa ăn trưa, cặp, vở, học bổng... nhằm chăm lo, hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất để học sinh được đến trường. Nhờ đó, chất lượng dạy và học tại trường được nâng lên đáng kể, nhất là tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, phụ huynh ngày càng quan tâm đến con em trong việc học. Những kết quả đạt được chính là động lực để thầy và trò Trường tiểu học Hàm Cần 1 nỗ lực hơn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm học mới.

dac0d207-ef4d-404b-b2da-2015a9ed9cd5.jpeg
4dceb558-e558-4ca4-8a44-55c36a25fbb0.jpeg
Trường tiểu học Hàm Cần 1 được đầu tư xây mới

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường học, xây mới, sửa chữa các công trình, phòng học, phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các hoạt động dạy và học.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm qua, tổng kinh phí bố trí để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cho 746 công trình trường học các cấp là 3.998 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xổ số kiến thiết. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, đã tham mưu UBND tỉnh phân khai vốn để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cho 319 công trình, với tổng kinh phí 1.373 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn trung hạn cho 275 công trình, với tổng kinh phí 2.007 tỷ đồng, trong đó năm 2021 - 2023, đã tham mưu UBND tỉnh phân khai vốn để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cho 180 công trình, với tổng kinh phí 1.189 tỷ đồng. Cùng với đó, kêu gọi đầu tư phát triển xã hội hóa đã thu hút được 5 dự án trường học và dạy nghề được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án với tổng vốn đầu tư 733 tỷ đồng, tổng diện tích là 203.454m2. Ngoài ra, trong giai đoạn 2013 - 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận 21 dự án, phi dự án sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài (NGO) với giá trị viện trợ là 7.775 triệu USD và có 2 dự án nước ngoài (nguồn vốn ODA) do ADB tài trợ với tổng kinh phí là 1.670 triệu USD cho các hoạt động giáo dục tại các cấp học.

58bb2c49-fdbb-4de0-9d5c-69f9493af02b.jpeg
f5fe694b-da75-4551-a1bf-0852f5e545cc.jpeg
Công tác xã hội hóa được thực hiện tốt tại Trường TH Hàm Cần 1

Bên cạnh đó, các địa phương đã tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phòng học mẫu giáo, bếp ăn ở những vùng khó khăn, tài trợ thiết bị phòng học, máy vi tính, máy chiếu, tivi... với kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, hệ thống trường lớp ở các cấp học được sắp xếp hợp lý, tất cả các xã, phường trong tỉnh đều có trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học và THCS tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, hải đảo tiếp tục ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học nhiều nơi trong tỉnh còn thiếu hoặc bị xuống cấp chưa đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa thực sự hiệu quả, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất còn hạn hẹp... Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, hầu hết các cơ sở trường, lớp từ mầm non đến giáo dục phổ thông đều được triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để xác định nhu cầu đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục vụ nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới GD&ĐT, dạy nghề theo hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội.

Toàn tỉnh hiện có 578 cơ sở GD&ĐT, trong đó bậc mầm non có 181 trường, tiểu học có 239 trường, THCS và phổ thông cơ sở có 130 trường, (113 trường THCS và 17 trường TH và THCS), bậc THPT có 28 trường, trường chuyên biệt có 6 trường (4 Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, 1 Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 1 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo). Toàn tỉnh có 290 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (mầm non 55 trường, tiểu học 136 trường, THCS 85 trường, THPT 14 trường).

Bài 1: Ngôi trường đi đầu 4.0 ở huyện đảo

Bài 3: Vượt thách thức phát triển bền vững

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
BTO-Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tham dự còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 2