Theo dõi trên

Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 3

07/09/2023, 05:22

Bài 3: Vượt thách thức phát triển bền vững

Quan điểm của Nghị quyết 29 nêu rõ, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện... Quá trình thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Kết quả mang tính đổi mới, đột phá

Trong 10 năm qua (2013-2023), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chăm lo đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT, đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết 29. Trong đó, tỉnh đã ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, nhiều cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển giáo dục, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.

8097f639-d82f-48a6-9a78-360b7d497daa.jpeg
b4af093b-a377-4183-91f2-d69b51ebf0e4.jpeg
Tăng cường giáo dục kỹ năng, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.

Trong đó phải kể đến, công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên trong các trường học được quan tâm, nhất là ở những cơ sở giáo dục và đào tạo mới thành lập, những nơi có ít hoặc chưa có đảng viên. Số lượng đảng viên mới kết nạp hàng năm đều tăng, trong 10 năm qua đã có 4.463 đảng viên được kết nạp, trong đó đã kết nạp đảng cho 299 học sinh, sinh viên nâng tổng số đảng viên toàn ngành đến nay 6.673 đảng viên. Cùng với đó, công tác quản lý giáo dục đào tạo được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng, thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới các khâu trong công tác giáo dục. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức chung một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập trường THPT chuyên và THPT không chuyên mang lại hiệu quả cao, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ được thực hiện tốt thông qua việc triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được chú trọng, tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh...

556590c8-1843-4028-b08f-9671250f84cf.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu chỉ đạo

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Những kết quả nổi bật, đột phá của ngành giáo dục tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai Nghị quyết 29 góp phần đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Quyết tâm cao, nỗ lực hành động

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thừa nhận rằng quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh ta còn gặp một số khó khăn, bất cập. Hiện đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục tỉnh có hơn 17.000 người, hầu hết đạt chuẩn trình độ đào tạo, hàng năm được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên tiểu học ở một số trường còn thấp, một số trường còn thiếu giáo viên, nhất là các môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số trường THCS nên khó khăn cho việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, trình độ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 29- NQ/TW của Trung ương chưa sát với thực tiễn của địa phương, chưa tạo được sự đột phá về chất lượng GD&ĐT. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong tỉnh còn thiếu một số ngành, nghề phục vụ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Chưa có chính sách khả thi, chưa có môi trường hấp dẫn để thu hút được sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, giảng viên giỏi, nhà khoa học uy tín về công tác, làm việc ở tỉnh.

5b821e07-ae99-4355-bd3e-2a8f55aa030e.jpeg
580bfa94-630c-4174-b217-475e64181eda.jpeg
Đổi mới trong dạy học

Thời gian tới, hệ thống chính trị tỉnh nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đề ra nhiệm vụ và giải pháp, có trọng tâm và khả thi hơn với lộ trình phù hợp nhằm đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 6/2023. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt và phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nắm vững những nội dung của Nghị quyết 29 nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về đường lối, quan điểm, mục tiêu, quyết sách của tỉnh. Cùng với đó, tiến hành rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Đồng thời, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý cho cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu luân chuyển một số cán bộ quản lý giáo dục cấp tỉnh, huyện sang công tác có thời hạn ở lĩnh vực khác để cọ xát, có thêm kinh nghiệm thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác GD&ĐT gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Rà soát, đề xuất ban hành mới các chính sách đặc thù của tỉnh phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương và đảm bảo tính cần thiết, khả thi...

Với những hành động cụ thể, quyết liệt trong thời gian tới của cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành giáo dục, tin tưởng rằng sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng: “Hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước những thời cơ, thách thức của thời đại công nghệ số và hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, chúng ta đang tập trung toàn lực để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này, đòi hỏi tất cả những người làm công tác quản lý giáo dục phải có sự thay đổi lớn trong tư duy, phải có tầm nhìn chiến lược, phải cải tiến phương pháp quản trị: dám đột phá, dám làm, dám giải trình, dám chịu trách nhiệm”.

Bài 1: Ngôi trường đi đầu 4.0 ở huyện đảo

Bài 2: Phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp



THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
BTO-Chiều 18/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tham dự còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới giáo dục toàn diện: Cơ hội và thách thức. Bài 3