Theo dõi trên

Đối thoại Shangri-La 2023 đón 550 đại biểu từ hơn 40 nước

02/06/2023, 14:57 - Lượt đọc: 414

Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á) lần thứ 20 được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 2/6 tại khách sạn Shangri-La của Singapore.

thuong-dinh-an-ninh-chau-a-doi-thoai-shangri-la-2023-iiss.jpg
Đối thoại Shangri-La thứ 20 - Thượng đỉnh An ninh châu Á 2023. Ảnh: IISS.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Đối thoại năm nay sẽ được tổ chức với một chương trình nghị sự mở rộng, tăng cường tính tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự. Ban Tổ chức cũng kỳ vọng sẽ tiếp đón hơn 550 đại biểu là các quan chức cao cấp của chính phủ, lực lượng vũ trang, học giả, nhà nghiên cứu và các doanh nhân từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Những thông điệp từ hội nghị cùng những sáng kiến hợp tác giữa các nước sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực này.

Nội dung trọng tâm

Con số hơn 500 đại biểu tham dự, cùng chương trình nghị sự dày đặc, với 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận song song và nhiều cuộc gặp song phương bên lề đã cho thấy châu Á- Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng mặt khác điều này cũng cho thấy rất nhiều vấn đề đang nổi lên ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Đó là vấn đề cạnh tranh giữa các nước lớn; tuân thủ luật pháp quốc tế; sử dụng sức mạnh quân sự trong việc xử lý các vấn đề giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực; tranh chấp lãnh thổ; môi trường hay những vấn đề mới về chiến tranh trong tương lai.

Chính vì vậy, năm nay chủ đề của Shangri-La rất rộng từ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; giải quyết những căng thẳng trong khu vực; trật tự an ninh hàng hải nổi lên ở châu Á; các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc đến quan hệ đối tác mới cho an ninh châu Á - Thái Bình Dương và phát triển các hình thức hợp tác về an ninh. Đối thoại Shangri-La được ví như là một Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và cộng đồng quốc tế kỳ vọng thông qua đối thoại có thể tìm kiếm được giải pháp cho một số vấn đề quốc tế nổi bật như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới phân tích đang chờ đợi sự xuất hiện của 3 nhân vật: Thủ tướng Austtralia Anthony Albanese - diễn giả chính của Đối thoại năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Với Thủ tướng Anthony Albanese, đây sẽ là lần đầu tiên ông tham dự Đối thoại Shangri-La trên cương vị người đứng đầu chính phủ Australia. Với tư cách là diễn giả chính, bài phát biểu của ông Anthony Albanese sẽ rất được chờ đợi vì nó sẽ khái quát tầm nhìn của Australia về một châu Á- Thái Bình Dương “ổn định, hòa bình, kiên cường và thịnh vượng”, cũng như quan điểm về cách giải quyết những thách thức an ninh ở khu vực và thế giới. Có thể nói, thông điệp từ bài phát biểu đáng chú ý của nhà lãnh đạo Australia sẽ là định hướng quan trọng cho các phiên thảo luận của Đối thoại Shangri-La lần thứ 20.

Trung Quốc từ chối đối thoại với đại diện Mỹ

Cũng giống như các lần họp trước đây, mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thu hút sự quan tâm tại Đối thoại Shangri-la năm nay. Quan chức quốc phòng hàng đầu 2 nước dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về an ninh khu vực. Nếu như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thúc đẩy “tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, với ASEAN là trung tâm”, thì Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng sẽ làm rõ “Sáng kiến An ninh mới của Trung Quốc”, coi đây như một cách tiếp cận để tăng cường an ninh chung ở châu Á và toàn cầu.

Liên quan tới khả năng về một cuộc gặp bên lề giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, thì cũng cần phải nhắc lại: Đối thoại Shangri-La năm ngoái đã chứng kiến cuộc gặp song phương đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là ông Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, làm dấy lên hy vọng về một cuộc đối thoại quân sự mới giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, những hy vọng này dường như đã đạt được rất ít trong 12 tháng qua. Thay vào đó, quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi, xuống mức thấp nhất sau chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8 năm ngoái. Trung Quốc sau đó đã đình chỉ một số kênh liên lạc giữa quân đội hai nước và những kênh liên lạc này tới nay vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn. Ngoài ra việc Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ cũng khiến triển vọng về một cuộc đối thoại quân sự cấp cao mới giữa Trung Quốc và Mỹ là rất mờ nhạt. Theo thông tin phía Mỹ vừa đưa ra, Trung Quốc đã bác bỏ khả năng về cuộc gặp giữa quan chức quốc phòng cấp cao hai nước trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La năm nay - điều mà giới quan sát lo ngại có thể là tín hiệu dự báo mối quan Mỹ-Trung thời gian tới sẽ còn tiếp tục chứng kiến những sóng gió mới.

Dẫu vậy, trong những tuần gần đây không phải không có những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ hai nước, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Một số cuộc gặp khác cũng được cho là đang lên kế hoạch và thậm chí có khả năng gặp gỡ giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới và tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhiều người tham dự Đối thoại Shangri-La hy vọng vẫn có thể có những cải thiện khiêm tốn giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự.

Sự quan tâm của các khu vực khác

Có thể nói, với dân số chiếm tới 60% thế giới, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 30 năm tới. Vì vậy, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế, uy tín ngày càng quyết liệt, kéo theo các nước phải thay đổi chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích tại khu vực quan trọng này.

Một số quốc gia, tổ chức khu vực, nhất là các nước lớn đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, nhằm thực hiện mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo lập cho mình vị thế có lợi trong cục diện khu vực đang định hình. Nhiều thành viên trong NATO, Liên minh châu Âu cũng đang mong muốn đóng vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh, quốc phòng của khu vực.

Đối thoại Shangri-La năm nay vì vậy còn được xem là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp then chốt liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với vấn đề quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi lựa chọn chính sách “hướng Đông” với nhiều hoạt động kinh tế và an ninh tại khu vực có vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng này. Nhưng rõ ràng, sự quan tâm của các cường quốc bên ngoài dành cho châu Á dù mang lại nhiều cơ hội cho châu lục năng động này song cũng không tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn những rủi ro và thách thức, buộc các nước trong khu vực phải làm việc cùng nhau nhằm gây dựng lòng tin, hợp tác và nỗ lực thực chất vì một châu Á-Thái Bình Dương ổn định và phát triển.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàn Quốc diễn tập phòng thủ các đảo khu vực biên giới phía Tây
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày này diễn ra tại các đảo biên giới ở Hoàng Hải trong bối cảnh Triều Tiên công bố kế hoạch phóng vệ tinh giám sát quân sự đầu tiên vào tháng tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối thoại Shangri-La 2023 đón 550 đại biểu từ hơn 40 nước