Nỗ lực phục hồi để tạo đà bứt phá
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa những tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng tăng so với cùng kỳ, với khoảng 3,30%, trong đó mặt hàng sản phẩm gỗ, giày dép, hàng hóa khác cũng tăng so với trước, nhóm các loại hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tăng cao đó là hàng thủy sản tăng trên 3,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu trực tiếp của Bình Thuận chủ yếu ở thị trường châu Á, thị trường Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương. Một số nước xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đó là Nhật Bản. Mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm tôm, cá, thủy sản khác, giày, dép, các loại, quặng và các mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, hạt điều khô… Đặc biệt là ủy thác xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 5 triệu USD, tăng gấp 2,12 lần so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng ủy thác chủ yếu là mực tươi đông lạnh, quần áo các loại. Đặc biệt là Bình Thuận xuất siêu chỉ tính trong những tháng đầu năm đã đạt hơn 70 triệu USD.
Để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp của tỉnh đã duy trì quản trị tốt, tái cơ cấu, áp dụng công nghệ để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác những thị trường mới, nhằm tránh rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất để kịp thời thích nghi, đồng thời tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng, nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư. Mặc dù, kết quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh những tháng đầu năm 2024 đã đạt và vượt so với kế hoạch năm, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, với sự nỗ lực này sẽ được các doanh nghiệp làm nền tảng để tiếp tục phát huy, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024 của tỉnh đã đề ra.
Phấn đấu vượt chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa
Từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu được cho là khá sôi động do nhu cầu phục hồi từ những thị trường các nước, trong đó 2 nhóm đó là ngành dệt may và gỗ, các sản phẩm gỗ đang có tín hiệu rất tốt về đơn hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tiếp tục đối diện với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật về môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, đặc biệt là các thị trường Bắc Mỹ, EU và Bắc Âu. Bởi vì các cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cùng các thay đổi chính sách của đối tác nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống, cũng như thị trường mới. Đến nay, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đã mở rộng đến trên 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó thị trường châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 60%, phần còn lại là thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi. Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của địa phương. Đặc biệt là chú trọng phát triển nhóm hàng công nghiệp chế biến, mở rộng xuất khẩu những mặt hàng đem lại kim ngạch khá như thủy sản, may mặc, giày dép và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long, cao su…
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh cũng đã triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển xuất khẩu đối với một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: Nhóm hàng thủy, hải sản, nhóm hàng nông sản, nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu, hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, một số sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao của tỉnh Bình Thuận tham gia xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và phát huy hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống và các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó tăng cường công tác thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động tham gia, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm tại thị trường nước ngoài. Đối với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm. Hướng đến quảng bá hiệu quả thương hiệu, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa… Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mức kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.