Cuối năm 2018, chị Nguyễn Thị Hòa (thôn 3, xã Vũ Hòa, Đức Linh) chuyển từ trồng rau truyền thống sang trồng rau thủy canh trong nhà màng phù hợp xu thế mới đó là chú trọng canh tác an toàn, tối đa hóa sản lượng trên một đơn vị diện tích đất. Việc canh tác rau này cho hiệu quả cao do không hư hại khi gặp mưa nhiều lại được người tiêu dùng tin tưởng, thu hút nông dân ở xã nhân rộng và thành Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát với 9 xã viên, trồng 0,3 ha rau đủ loại. Trước đó, HTX được Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản hỗ trợ kiểm định chất lượng đạt các tiêu chuẩn và cấp chứng nhận rau an toàn trồng rau thủy canh theo quy trình VietGAP. Năm 2020, khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, sản phẩm rau được hỗ trợ khâu thiết lập bao bì - nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm... “Các xã viên của HTX đã quen việc áp dụng thông tin khoa học trong sản xuất, hỗ trợ các khâu kỹ thuật, giống, vật tư đã tạo ra liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm rau an toàn ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Khi đạt chuẩn sản phẩm OCOP việc đẩy mạnh quảng bá rộng rãi tại các cuộc xúc tiến thương mại sẽ thu hút thêm lượng khách hàng biết đến sản phẩm”, chị Hòa cho biết thêm.
Rau thủy canh của HTX rau an toàn Tiến Phát đạt chuẩn OCOP 3 sao
Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) các doanh nghiệp, HTX giữ vai trò chủ đạo bởi chính họ là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình. Họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện chương trình. Từ đó, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. Ông Ngô Minh Trang - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Chương trình OCOP đang tạo điều kiện để các HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và các sản phẩm đạt OCOP là sản phẩm đã phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo mức độ Bộ tiêu chí quy định được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Bình Thuận đánh giá gắn hạng sao. Để HTX có sản phẩm đạt chuẩn OCOP với các hệ thống phân phối để đến được với đông đảo người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng của chương trình”.
Thời gian qua, khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể được tập huấn để hiểu rõ sản phẩm OCOP là thế nào? Hiểu được những ràng buộc nhất định đối với sản phẩm. Đối với sản phẩm nông sản sẽ được hỗ trợ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm hải sản được hỗ trợ quy trình chế biến theo HACCP, ISO cũng như hỗ trợ cho các sản phẩm về thiết kế bao bì, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ… Sự đồng hành của địa phương, các cơ quan chức năng liên quan giúp các chủ thể đẩy mạnh hơn việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nâng giá trị hàng hóa, nông sản, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần nâng tầm các sản phẩm OCOP trên thị trường ổn định, bền vững.
Thanh Duyên