Thời điểm này, học sinh các cấp học đang bước vào giai đoạn kiểm tra học kỳ 2, riêng học sinh lớp 9 đang tập trung ôn luyện thi vào lớp 10, còn học sinh lớp 12 trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây đều là những kỳ thi quan trọng và cạnh tranh khốc liệt. Thực tế, để tích lũy thêm kiến thức, nhiều học sinh quay cuồng trong lịch học kín mít, hết học chính khóa đến học thêm, ôn luyện ngày đêm đến quên ăn quên ngủ… Nhiều em mệt mỏi, phờ phạc, căng thẳng, sức khỏe giảm sút vì ôn thi. Nghĩ đến bố mẹ, một số em còn tự tạo áp lực cho chính mình với tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè.
Em Bảo Ngọc học sinh lớp 9 tại TP. Phan Thiết cho biết: “Mục tiêu của em là phấn đấu thi đậu vào lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo nên thời gian này em dành nhiều thời gian để ôn luyện. Ngoài ôn tập ở trường, em còn đi học thêm và dành thời gian tự học ở nhà. Mặc dù đã chuẩn bị kiến thức khá kỹ nhưng em cảm thấy rất áp lực, lo lắng sợ không đậu được vào trường chuyên như bố mẹ đã kỳ vọng”. Tương tự, em B.Tr, học sinh lớp 12 huyện Đức Linh chia sẻ: “Thời điểm này nhà trường đang tập trung ôn thi hệ thống lại kiến thức cho học sinh. Bố mẹ em đặt nhiều kỳ vọng vào em ở kỳ thi này nên em sẽ cố gắng ôn luyện và làm bài thi thật tốt với mục tiêu trước mắt là đậu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào trường đại học mà bố mẹ kỳ vọng”. Như vậy, học sinh cuối cấp không chỉ đối mặt nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, từ bạn bè, thầy cô, mà còn cả áp lực từ chính phụ huynh. Dù biết, cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con em của mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con rớt vào các trường top đầu, ngành nghề không mong muốn. Đôi khi sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ đã tạo nên áp lực cho các con. Việc thường xuyên bị la mắng, khiển trách trước kết quả học tập không tốt tạo cảm giác lo sợ cho các em. Lâu dần hình thành nên tâm lý căng thẳng, áp lực dẫn đến kết quả học tập không được như mong đợi.
Giảm bớt những kỳ vọng, dành thời gian nói chuyện với con, cùng con thư giãn… là những cách hiệu quả để cha mẹ giúp sĩ tử giải tỏa những căng thẳng trong mùa thi. Các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc cha mẹ cần tìm hiểu về trường, ngành học… để có những tư vấn phù hợp với mong muốn và học lực của con. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động, giờ giấc ngủ nghỉ của con. Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và giấc ngủ tạo ra năng lượng. Không thể có một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể yếu ớt. Cha mẹ động viên con ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao cùng con sẽ giúp con có một sức khỏe và tinh thần tốt.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian nói chuyện, chia sẻ với con về kỳ thi. Hãy làm cho các con cảm thấy rằng cha mẹ là những người bạn đồng hành chứ không phải là người tạo ra sức ép trong mùa thi. Đó là trao cho con sự tin tưởng, nói với con rằng cha mẹ tin con sẽ làm được, song nếu con thi trượt thì cũng không sao, quan trọng là con đã cố gắng hết mình. Đồng thời, phân tích cho con hiểu áp lực thi cử chỉ là một trong vô vàn những vấn đề mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời này. Từ đó, bồi đắp sức mạnh nội tại cho con để con có sức đề kháng bên trong mình, sẵn sàng đối diện với áp lực không chỉ trong thi cử, mà cả những thử thách của cuộc đời, mạnh mẽ vượt qua và trưởng thành từ chính những vấn đề mình gặp.