Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhưng Hiệp hội Năng lượng tái tạo này vẫn tích cực phát huy vai trò cầu nối nhằm hướng tới khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bởi trên địa bàn Bình Thuận hiện có 55 dự án điện gió, điện mặt trời (tổng công suất khoảng 2.170 MW) được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, cấp quyết định chủ trương đầu tư thì có 18 dự án của hội viên hiệp hội. Trong đó bao gồm 14 dự án điện gió (tổng công suất xấp xỉ 350 MW), 4 dự án điện mặt trời (tổng công suất hơn 140 MW). Tính đến nay có 10 dự án (6 dự án điện gió và 4 dự án điện mặt trời) của hội viên Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận xúc tiến xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 320 MW. Các dự án điện gió còn lại có trường hợp đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đang triển khai xây dựng, cũng có trường hợp trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ.
Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận thu hút nhiều hội viên tham gia.
Theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo này, công tác triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời của hội viên tuy mức độ đạt được khác nhau nhưng không có dự án nào mà không triển khai. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án cũng gặp một số thách thức: Đền bù giải tỏa khó khăn do các hộ dân không đồng tình việc nhà đầu tư chỉ đền bù giải tỏa, thu hồi đất ở khu vực diện tích sử dụng có thời hạn (như móng trụ, đường giao thông, trạm điện, đường dây tải điện...) và yêu cầu đền bù toàn bộ khu đất. Hoặc gặp vướng do chồng lấn giữa các khu vực dự án với khu vực Quy hoạch dự trữ titan, ảnh hưởng tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp đến việc triển khai thực hiện dự án của hội viên…
Thể hiện vai trò của mình, thời gian qua Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận đã tổ chức cho hội viên tham gia các hội thảo, diễn đàn về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Nhờ đó giúp hội viên có thêm thông tin, kinh nghiệm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án điện gió và điện mặt trời, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển. Bên cạnh đó tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận, các cơ quan thẩm quyền quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển và vận hành khai thác dự án trên địa bàn. Trong đó có kiến nghị gia hạn giá điện FIT đối với dự án điện gió trong đất liền đến ngày 30/6/2022, kiến nghị gỡ vướng về thủ tục đất đai, thuê đất liên quan đến dự án của hội viên nằm trong khu vực dự trữ titan, hoặc về đấu nối, truyền tải công suất các dự án đang triển khai xây dựng…
Thời gian tới, Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận sẽ tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò cầu nối giữa hội viên với các sở, ngành, địa phương nhằm góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải tại một số dự án. Mặt khác cũng chia sẻ kinh nghiệm công tác chuẩn bị, thu xếp vốn vay, đầu tư, vận hành giữa các hội viên mà nhất là kinh nghiệm của hội viên có dự án đã và đang triển khai. Tiếp nữa là kiến nghị, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển và vận hành khai thác dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn Bình Thuận. Ngoài ra còn liên kết, giao lưu với các tổ chức quốc tế quan tâm đến phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, chia sẻ về kinh nghiệm trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo cho hội viên của hiệp hội…