Theo dõi trên

Dự án hồ La Ngà 3 và Ka Pét được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia

27/07/2023, 05:05

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 847/QĐ -TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tại Bình Thuận có dự án hồ chứa nước La Ngà 3, Ka Pét... được ưu tiên trong quy hoạch.

Theo phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi, ở tiểu vùng Nam Trung bộ, sẽ xây dựng mới một số hồ chứa có khả năng điều tiết liên vùng, trong đó tại Bình Thuận có các hồ La Ngà 3, Ka Pét, Tân Lê, Cà Tót, Sông Tom. Đồng thời xây dựng các tuyến kết nối, điều hòa, chuyển nước như kết nối, chuyển nước từ hồ La Ngà 3 cấp nước khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận; vận hành hiệu quả hồ chứa nước thượng nguồn phục vụ cấp nước, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tham gia cắt lũ theo quy trình đã được phê duyệt…

z4490171722513_12b78d6bb57826734e0d980b44472ed9.jpg
Khu vực dự án hồ Ka Pét (Hàm Thuận Nam).

Nội dung quy hoạch cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất để triển khai Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước tính khoảng 136.500 ha, trong đó nhu cầu đất để nâng cấp, sửa chữa các công trình khoảng 34.000 ha và xây dựng mới các công trình khoảng 102.500 ha. Nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch đến năm 2030 khoảng 180.000 tỷ đồng, được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

song-mong-hang.jpg
Công trình thủy lợi tại Bình Thuận.

Để triển khai quy hoạch, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương công bố quy hoạch; xây dựng kế hoạch thực hiện; các tỉnh, thành trực thuộc rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, dự án thuộc các lĩnh vực khác có liên quan trên địa bàn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Được biết, mục tiêu quy hoạch nhằm đảm bảo cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất đảm bảo 85%; cấp nước tưới đảm bảo cho 70% diện tích cây trồng cạn; bổ sung nguồn nước trên sông, kênh, hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm, góp phần cải tạo môi trường, đảm bảo chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giàu lên từ hạ tầng thủy lợi, giao thông
Vùng đất một thời khô cằn, hoang hóa vì thiếu nước, đã được hồi sinh nhờ các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông đã vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của huyện, đem lại màu xanh tươi cho nhiều loại cây trồng. Cũng từ đây khắc phục được cảnh “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”.
Nổi bật
13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện toàn diện, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 theo Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 04/12/2023 của Tỉnh ủy (khóa XIV)… đó là yêu cầu chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các cấp, các ngành, các địa phương trong 3 tháng cuối năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án hồ La Ngà 3 và Ka Pét được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia