Bài 1: Khai thác du lịch đường thủy
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã và đang khai thác triệt để du lịch đường thủy, song nhìn lại Bình Thuận, nơi có biển cùng với sông, nhưng chưa thấy gì gọi là nổi lên rõ nét.
Nhìn người
Nước ta có mạng lưới sông, hồ, thác dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước. Theo thống kê hiện nay, chỉ riêng sông ngòi trên cả nước đã có hơn 2.300 con sông dài hơn 10km, trong đó có những con sông lớn chảy liên tỉnh như: Sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đà… Đó chính là điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để có thể hình thành và phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên sông, hồ hay nói cách khác là du lịch đường thủy ngắm cảnh sông nước.
Nhận thấy tiềm năng ấy, nhiều tỉnh, thành đã khai thác, phát triển du lịch trên sông với nhiều sản phẩm khác nhau. Nổi bật là sản phẩm trải nghiệm đi thuyền trên sông Hương đã khai thác gần 30 năm nay và trở thành “đặc sản” hấp dẫn du khách mỗi khi đến Thừa Thiên Huế. Đà Nẵng với lợi thế sông Hàn chảy quanh thành phố, nên đã đưa vào vận hành tour du lịch trên sông, giúp du khách trải nghiệm ngắm thành phố và cầu Rồng. Gần đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng khai thác tour ngắm hoàng hôn bằng du thuyền trên sông Sài Gòn. Tại Hà Nội, Công ty cổ phần Thăng Long GTC cũng duy trì các tour khám phá dọc sông Hồng từ Hà Nội đến Hưng Yên, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm... từ nhiều năm qua.
Không chỉ những thành phố lớn khai thác du lịch trên sông, gần đây, nhiều địa phương mới phát triển du lịch cũng bắt đầu quan tâm đến du lịch đường thủy để làm mới sản phẩm sau đại dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa khởi động tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; tỉnh Long An tổ chức khảo sát du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông; chưa kể các tỉnh khác ở đồng bằng Sông Cửu Long, nơi “cái nôi” phát triển loại hình du lịch sông nước, miệt vườn.
Nghĩ đến ta
Ở Bình Thuận có biển và nhiều sông, suối, núi, đồi, cồn cát. Với biển có đảo ngọc Phú Quý, có vịnh Mũi Né, nơi lý tưởng cho nghỉ dưỡng và các hoạt động giải trí trên biển như lướt ván diều, học lái thuyền buồm...
Bên cạnh đó, có nhiều sông, suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh thuộc Lâm Đồng chảy qua địa bàn tỉnh để ra biển. Trong đó có sông La Ngà, sông Quao, sông Lòng Sông, sông Phan, sông Mao và sông Lũy. Đặc biệt là sông Cà Ty dài hơn những con sông khác, chảy qua trung tâm thành phố du lịch biển Phan Thiết.
Với lợi thế ấy, Bình Thuận có thể phát triển đa dạng loại hình du lịch, trong đó có du lịch đường thủy trên sông, trên biển… Tuy vậy, nhìn lại so với các tỉnh, thành khác thì chưa thấy Bình Thuận nổi lên loại hình du lịch này. Mặc dù những năm qua tỉnh rất quan tâm đến ngành công nghiệp “không khói”, đề ra nhiều giải pháp, mục tiêu phát triển. Điều này thể hiện trong đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh đến năm 2030 tập trung đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Với định hướng đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, gồm các loại hình: Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch Wellness; Du lịch nghỉ dưỡng - Mice; Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; Du lịch cộng đồng; Du lịch khám phá, mạo hiểm…
Mục tiêu của đề án, đến năm 2030, du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn trong GRDP của tỉnh, có sức lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, giúp tạo nhiều việc làm cho xã hội. Xác định hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh. Từ đó, phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt của sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng trong tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch của tỉnh Bình Thuận.