Theo dõi trên

Đưa trẻ tiêm vắc xin sởi tránh mắc bệnh, lây lan

04/09/2024, 05:19

Cuối tháng 8/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi. Trong bối cảnh mật độ giao thương đi lại khá cao, khoảng cách địa lý từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận không xa. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vi rút sởi lây lan. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có khuyến cáo và kế hoạch phòng chống bệnh này.

Tăng so với cùng kỳ 2023

Tính từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận 9 ca dương tính với sởi, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023 (không ghi nhận ca mắc bệnh sởi). Cụ thể, Bắc Bình 1 ca, Hàm Thuận Bắc 1 ca, Phan Thiết 1 ca, La Gi 3 ca, Đức Linh 2 ca, Hàm Thuận Nam 1 ca. Với bệnh ho gà thì có 3 ca mắc. Các ca bệnh sởi, ho gà tại tỉnh đều ở thể nhẹ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, khử khuẩn môi trường…

tiem-vac-xin-mr.jpg
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ (ảnh minh họa).

Tiến sĩ Chế Ngọc Thạch - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết 3 nguyên nhân làm số ca mắc bệnh sởi gia tăng. Một là do ảnh hưởng dịch Covid-19 vào năm 2021. Thời điểm này, tình trạng cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn, ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng. Thứ 2 là trẻ mắc bệnh, hoãn tiêm - không tiêm bù dẫn đến tiêm không đầy đủ mũi tiêm. Thứ 3 là lây nhiễm chéo từ bệnh viện, từ cộng đồng. Với số ca mắc sởi tại Bình Thuận phần lớn thì rơi vào tình trạng tiêm vắc xin chưa đầy đủ.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so cùng kỳ 2023, có xu hướng gia tăng 1 số địa phương. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/8/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi. Tiến sĩ Thạch nhận định: Trong bối cảnh khoảng cách địa lý từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận không xa, mật độ giao thương đi lại khá cao. Bên cạnh đó, trẻ em đi du lịch, về quê thăm ông bà dịp hè trở lại nơi cư trú chuẩn bị nhập học. Tất cả những yếu tố này vô tình mang mầm bệnh đến cộng đồng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi lây lan.

Tiêm vét, tiêm bù

Tiến sĩ Thạch cho biết: Bệnh sởi thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan khá nhanh. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, kịp thời chăm sóc và điều trị đúng cách. Và khuyến cáo các bậc cha mẹ sớm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Để thực hiện phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các trung tâm y tế tuyến huyện rà soát các tỷ lệ tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng thường xuyên, duy trì đảm bảo các hoạt động tiêm vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời, tổ chức thêm các buổi tiêm trong tháng đảm bảo tiêm bù mũi sớm cho các nhóm trễ lịch. Giám sát tích cực các trường hợp sốt phát ban nghi sởi/rubella, ho gà, bạch hầu tại các bệnh viện, cộng đồng đảm bảo không bị bỏ sót các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định.

Thêm vào đó, các đơn vị đánh giá lại nguy cơ, phân tích tình hình các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu… có tại địa phương. Tham mưu UBND huyện, thị, thành phố kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Trong đó, bao gồm nội dung tiêm bù, tiêm vét hoặc đề xuất tiêm chiến dịch.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người
BTO-Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa trẻ tiêm vắc xin sởi tránh mắc bệnh, lây lan