Nhiệm kỳ vừa qua (2017 - 2020), chi bộ cùng tập thể Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN đã triển khai đem lại hiệu quả thiết thực trong hầu hết các hoạt động chuyên môn. Như phối hợp phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ, Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật, Tỉnh đoàn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng hoặc Phòng Kinh tế các địa phương tổ chức tập huấn hơn 70 lớp cho hơn 3.000 lượt nông dân. Thông qua hoạt động tập huấn đã chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật vào đời sống sản xuất, góp phần nâng cao kinh tế hộ gia đình và được chính quyền các địa phương đánh giá cao.
Kênh dẫn nước từ hồ Cà Giang. |
Trong giai đoạn này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN còn tích cực phối hợp xúc tiến triển khai 4 dự án cấp Trung ương, 3 đề tài cấp tỉnh và 24 đề tài/mô hình cơ sở. Ở cấp Trung ương, có thể kể đến dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến nguồn nước tại tỉnh Bình Thuận”. Từ đó đã lắp đặt được 400 hệ thống xử lý nước nhiễm phèn tại địa bàn miền núi, vùng khó khăn và dân tộc trong tỉnh, nâng cao tỷ lệ các hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch. Hay như triển khai dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cây điều bền vững tại tỉnh Bình Thuận” cũng góp phần thay đổi tập quán canh tác, khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều… Mặt khác tiếp tục tham mưu 2 dự án nông thôn miền núi và được Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt thực hiện trong năm 2020. Bao gồm dự án: “Xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Thuận”, “Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận”.
Ở cấp tỉnh, thời gian qua trung tâm đã tiến hành nghiệm thu đề tài về “Nghiên cứu bảo tồn, tư liệu hóa và đánh giá sơ bộ nguồn gen cây mè đen 2 vỏ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Hoàn thành báo cáo tổng kết đề tài “Xây dựng mô hình bảo tồn và khai thác các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực ẩm thực Bình Thuận (bánh canh chả cá, bánh căn, lẩu thả) và đặc sản quà tặng (nước mắm Phan Thiết, mực 1 nắng, thanh long) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Bình Thuận”… Đối với đề tài cấp cơ sở, đơn vị có chức năng chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN tại địa phương, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi - thú y, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Những đề tài triển khai thời gian qua đều phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương và được các hộ dân tham gia nhiệt tình. Thành công từ các mô hình được nhân rộng tại nhiều địa bàn trong tỉnh, giúp người dân tiếp cận gần hơn với ứng dụng từ tiến bộ khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu đã đạt những kết quả nhất định, góp phần hình thành một số sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, có thể đưa vào thương mại hóa trong thời gian tới.
Năm 2019, 100% đảng viên chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và chi bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN đang hướng đến nhiệm kỳ 2020 – 2022, sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực, nhất là tập trung đề xuất nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án theo hướng gắn chặt với thực tế sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Tiếp nhận, triển khai tốt kết quả các đề tài, dự án và ứng dụng vào sản xuất để tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ có khả năng cạnh tranh. Mặt khác tiếp tục tăng cường hợp tác với các viện, trường và địa phương, từng bước mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn Bình Thuận…
QUỐC TÍN