Đức Linh nằm ở phía tây của tỉnh, cách TP. Phan Thiết khoảng 120 km về phía đông nam và cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 150 km về phía tây nam. Huyện tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tỉnh Lâm Đồng - vùng Tây Nguyên. Với những tiềm năng, thế mạnh để phát triển và thuận lợi từ vị trí địa lý, cùng những nỗ lực của cấp ủy và chính quyền, những năm gần đây huyện thu hút được rất nhiều nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng – thương mại. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quy mô lớn, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nổi bật, đến nay huyện đã và đang hình thành 3 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà (xã cửa ngõ của Đức Linh tiếp giáp với huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bao gồm: Cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2 và Đông Hà với tổng diện tích trên 180 ha. Trong đó, Cụm công nghiệp Nam Hà có diện tích hơn 70 ha; kinh phí đầu tư hạ tầng khoảng 312 tỷ đồng. Hiện, Cụm công nghiệp Nam Hà đã được đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ cấp đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong quý III/2023. Cụm công nghiệp Nam Hà 2 có quy mô 74 ha; kinh phí đầu tư hạ tầng khoảng 318 tỷ đồng, hiện đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng và đang thu hút dự án thứ cấp. Còn Cụm công nghiệp Đông Hà có hơn 38 ha, đang triển khai đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và hiện đã có 7 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký dự án, trong đó có 1 dự án đang hoạt động sản xuất và 1 dự án đang xây dựng.
UBND huyện Đức Linh cho biết, để có được kết quả trên, thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Trọng tâm là chủ động rà soát các dự án trên địa bàn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư hạ tầng, đất đai của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ. Bên cạnh các cụm công nghiệp ở Đông Hà, huyện cũng tạo thuận lợi và đề ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư đối với 3 cụm công nghiệp: Sùng Nhơn, Mê Pu và Hầm Sỏi - Võ Xu. Trong năm 2022, huyện còn có 4 nhà đầu tư đến khảo sát, đề xuất đầu tư dự án với diện tích gần 30 ha với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Kinh tế tư nhân ở huyện cũng tiếp tục được phát triển. Qua thống kê, toàn huyện có 330 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 6.485 hộ kinh doanh và 25 hợp tác xã. Được biết, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm được 182 tỷ đồng, đạt 202% kế hoạch; giải quyết việc làm cho gần 3.200 lao động, đạt 127%.
Song song với việc hình thành các cụm công nghiệp, Đức Linh cũng đang hình thành các khu dân cư phục vụ cho phát triển công nghiệp và các hạ tầng thiết yếu khác. Định hướng mà huyện đề ra cho những năm tới là mở rộng diện tích phát triển công nghiệp tập trung ở khu vực 3 xã: Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà để hình thành vùng công nghiệp. Đồng thời phát triển những khu vực du lịch sinh thái ven sông La Ngà. Huyện cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp hợp lý trong toàn bộ cơ cấu nền kinh tế; tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp hiện có. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các ngành nghề chế biến sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương và sử dụng nhiều lao động. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà đi vào hoạt động, đồng thời nâng cao tỷ lệ lấp đầy đối với 3 cụm công nghiệp ở xã Sùng Nhơn, Mê Pu và thị trấn Võ Xu.