Theo dõi trên

Đức Thắng - Đức Nghĩa - Lạc Đạo: Soi bóng Cà Ty, ngước Động Thiềng…

06/09/2024, 05:17

Bài 2: Nghĩ về một con đường an cư, lạc nghiệp…

Cho đến cuối thế kỷ 19, Phan Thiết mới chính thức đặt thành thị xã (centre urbain), tỉnh lỵ Bình Thuận sau khi có đạo dụ của vua Thành Thái ra ngày 20/10/1898. Song vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính làng xã (theo nghị định ngày 4/11/1910 của Toàn quyền A.Klobukowski, Phan Thiết bao gồm 16 làng (xã, thôn), 11 làng nội thị và 5 làng thuộc khu vực Phố Hài tính vào).

screenshot_1725542689.png
Đại lộ Sài Gòn nối từ bờ sông Đức Thắng xuống Ngã 3 Lạc Đạo năm 1926 (nay là dốc cầu Trần Hưng Đạo đi xuống).

Riêng ở về phía hữu ngạn sông Cà Ty, bấy giờ từ xã Lạc Đạo đổ lên thôn Thành Đức còn là một động cát lớn cây cối mọc dày, ngổn ngang mồ mả. Có một con đường chính chạy từ bờ sông xuống, ngang phố chợ, qua trước ngôi chùa Ông (Quan Đế Miếu - tạo lập từ năm Canh Dần 1770), tới Ngã 7 gặp ngôi chùa cổ Liên Trì tục gọi là chùa Tre (tạo lập từ năm 1649 - đời vua Lê Cảnh Hưng) xuống làng Lạc Đạo. Con đường chính này thời Pháp gọi là “grande rue”, nay là đường Trần Phú.

Còn ở xã Đức Thắng có một con rạch lớn đầy sình lầy từ sông chảy vào tới địa phận xã Lạc Đạo, người qua lại bằng ba tấm ván hẹp bắc ở quãng đầu rạch, giữa và cuối rạch. Mãi đến năm 1926 con rạch này mới được lấp xong và xây dựng lên một đại lộ mang tên đại lộ Sài Gòn (boulevard SaiGon) tạo thành một Ngã 3 được mang tên Ngã 3 Lạc Đạo (nay là đường Trần Hưng Đạo gặp đường Trần Phú).

Về phía bờ biển, có một con đường chạy dọc từ Đức Thắng xuống Lạc Đạo được gọi là bến Ngoạn Mục (Quai de Bellevue) vì nơi đây trước kia chỉ là một bãi dài cát trắng, lộng mát gió biển và không có nhà cửa. Phóng mắt nhìn ra biển thấy ngay Hòn Lao, về phía phải xa xa là mũi Kê Gà và gần hơn phía trái là bãi Thương Chánh. Có lẽ vì thế nơi đây ngay từ năm Nhâm Ngọ 1762 bà con ngư dân đã tạo lập nên một dinh Vạn thờ thần Nam Hải (cá Ông) với tên gọi dinh Vạn Thủy Tú, và ngày nay được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia với đông đảo khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Về sau, dân cư ngày một đông đảo, cất nhà ngay trên bãi cát, lấn biển ra xa và con đường từ khu dân cư Đức Thắng xuống khu dân cư Lạc Đạo được đặt tên đường Ngư Ông, ngày nay theo phân chia địa giới hành chính thì 2 khu phố ven biển này của 2 phường Đức Thắng – Lạc Đạo ngó mặt nhau, chỉ cách một con hẻm nhỏ, cũng là đường ra biển.

Từ năm 1933 Phan Thiết mới chuyển mình lên đô thị thành phố cấp 3 (Commune) theo nghị định ngày 28/11/1933 của Toàn quyền Đông Dương, các làng (xã, thôn) trở thành phường. Bên hữu ngạn sông có: Đức Thắng, Đức Nghĩa (gồm Thành Đức và Nam Nghĩa nhập lại), Lạc Đạo, Đức Long (gồm Nhuận Đức và một phần của Tú Long); bên tả ngạn có: Phú Trinh (một phần của Phú Tài và Trinh Tường), Bình Hưng (gồm Hưng Long, Đảng Bình, Quảng Bình).

screenshot_1725542716.png
Cổ đình Lạc Đạo - Ảnh tư liệu.

Nay, trong cuộc họp lấy ý kiến cử tri về Đề án sáp nhập 3 phường Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo vừa qua đã có ý kiến nên đặt tên phường mới là Nghĩa Thắng, cũng như trước đây đã lấy làng Thành Đức và vạn Nam Nghĩa nhập lại thành phường Đức Nghĩa. Cái tên Nghĩa Thắng nghe cũng hay, ý nghĩa (!). Nhớ lại, vào thời kỳ bao cấp những năm 1980 của thế kỷ trước với quyết tâm đoàn kết vượt khó, những người thợ đan của 2 phường Đức Nghĩa – Đức Thắng đã vào Tổ hợp tác, sau đó nâng lên thành Hợp tác xã mang tên Nghĩa Thắng của ngành nghề đan lát mây tre, đan mê ghe, thúng chai, rổ cá hấp… phục vụ nghề biển. Lại nhớ về thuở trước, chiếc cầu Quan nhỏ nhắn xinh xinh bắc qua sông nước lớn ròng hai buổi, rẽ phải lên hướng đầu nguồn leo lên động làng Thiềng nhìn ra sông nổi lên một cái cồn được gọi tên Cồn Cỏ. Con đường ven sông ấy có các bến gỗ, bến tre, tre gỗ từ trên đầu nguồn theo sông về nhập bến hình thành nên các trại cưa, trại tre, trại đóng ghe; tại xóm Cồn Cỏ vùng gần bến đò hình thành khu vục dân cư làm ngề nan: đan mê ghe, đan rổ, làm giường, bàn ghế bằng tre. Đó là con đường mang tên Trại Cưa, bến Thợ Mộc (Quai des Charpentiers), nay là đường Trưng Nhị phường Đức Nghĩa.

Còn qua cầu Quan quẹo trái xuống biển thì gặp cửa biển Cồn Chà. Gọi tên Cồn Chà bởi trên bãi cồn ấy chất đầy cội chà bó bằng lá dừa và tre chà gộc, để đem ra biển đóng chà dụ đàn cá nục. Ven sông chất đầy những đống tĩn nước mắm để xuống ghe bầu đi các nơi, bến ấy được đặt tên là bến Nước Mắm (Quai de la Saumure) và ghe to xuồng nhỏ đậu san sát được gọi tên đường Ghe Thuyền (Rue des Barques), nay là đường Trưng Trắc phường Đức Thắng.

Lại có ý kiến trao đổi lại: “Nếu 2 trong 1 thì được, còn nay là 3 trong 1, còn lại phường Lạc Đạo thì sao (?). Lại nhớ, cũng vào thời kỳ gian khó ấy, ở dưới Lạc Đạo có ông trung tá quân đội nhân dân về hưu là Trung tá Trần Quang Diệu đã khai sinh ra Hợp tác xã chiếu buông Quang Cảnh làm chiếu buông, giỏ xách, mành cọng, mành xe, dây neo, quạt, dĩa… giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động nữ, con thợ vợ bạn… Nhưng vì sao Hợp tác xã lại có tên Quang Cảnh?. Câu trả lời thật giản dị: đó là tên của chiến sĩ cộng sản Hồ Quang Cảnh. Đó là tên của một người con quê hương xứ Rạng (nay là Hàm Tiến), thuở thiếu thời vào Phan Thiết ở trọ học tại nhà số 6 đường Nhà Chung – Rue de Léglise (nay là đường Hàn Thuyên phường Lạc Đạo). Năm 1926, Hồ Quang Cảnh tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp - Việt Phan Thiết, ông vào Sài Gòn làm công nhân ga xe lửa, mùa xuân năm 1930 vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở về Phan Thiết ở nhà số 6 cùng với một đồng chí được gọi là anh Nghệ (nói tiếng Nghệ An) hoạt động cách mạng, móc nối với một tiểu tổ nông hội vừa mới thành lập tại làng Tùy Hòa (nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) do đồng chí Nguyễn Thắng làm tổ trưởng và 3 hội viên là Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Chí Viễn, Trương Cúc. Việc liên lạc giữa các đồng chí do chị Hồ Thị Quế ở Lạc Đạo đảm nhiệm (cơ sở cách mạng đầu tiên ở Phan Thiết). Năm 1931 Hồ Quang Cảnh về lại Rạng mở lớp dạy học và gieo mầm cách mạng ở quê nhà, năm 1933 ông hy sinh ở nhà tù Ban Mê Thuột…

Thật khó mà tìm ra một cái tên “3 trong 1” vừa mang tính truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng và phù hợp với điều kiện quản lý hành chính thời hiện tại. Hiện nay Lạc Đạo lại có diện tích và dân số (0,49 km2/14.332 người) lớn hơn Đức Thắng (0,48 km2/10.545 người) và Đức Nghĩa (0,39 km2/12.328 người), lấy tên cũ Lạc Đạo làm tên phường mới sẽ hạn chế ít nhất tác động đến người dân trong thay đổi giấy tờ tùy thân. Thêm nữa, tại Ngã 3 Lạc Đạo đã trở thành vị trí trung tâm của phường; trụ sở, nhà làm việc của phường Lạc Đạo cũ đã được đầu tư khang trang rộng rãi thuận lợi chỗ nơi làm việc bộ máy phường Lạc Đạo mới và giải quyết các giấy tờ, thủ tục hành chính, hội họp… cho người dân 3 phường cũ nhập lại.

Trong bài “Câu chữ của các cổ đình Phan Thiết” đăng trên báo Bình Thuận cuối tuần số 7571 ngày 26/4/2024, Nhà nghiên cứu Hoàng Hạnh đã ghi lại đôi câu đối của đình làng Lạc Đạo:

樂 觀 界 境 亭 前 江 下水 源 流

道 味 淳 風 殿 後 神 坻 地 靈 頭

Phiên âm: Lạc quan giới cảnh đình tiền giang hạ thủy nguyên lưu

Đạo vị thuần phong điện hậu thần trì địa linh đầu.

Tạm dịch: Trước đình thấy cảnh yên vui, dưới sông nước nguồn đang chảy

Sau điện thuần phong đạo đức, gò thần đầu cõi đất thiêng.

“…Dưới sông nước nguồn đang chảy, ý nhắc nhở uống nước phải nhớ nguồn, được sống cảnh yên vui thì chớ quên ơn người trước. Sau đình là khu dân cư, do nếp sống có thuần phong đạo đức nên nơi gò đất cao có thần ngự để phù hộ. Đây có lẽ là cách diễn đạt quy luật thiên nhân cảm ứng phù hợp với quan niệm của cộng đồng thời bấy giờ”.

Theo tôi, đó không chỉ là hoài vọng “một con đường an lạc” của riêng dân cư Lạc Đạo mà là hoài vọng chung của những con người “Ngũ Quảng lưu dân” – “Nam, Nghĩa, Bình, Phú” theo con đường mở cõi phương Nam hội tụ bên đôi bờ Cà Ty bản địa để làm nên một dòng sông Phan Thiết “trên bến dưới thuyền”.

Xưa cha ông mở đất dựng đình với phong cảnh hữu tình “trên sơn dưới thủy”, sau các bậc tu hành phát hiện ra động làng Thiềng cũng là một vùng đất an tịnh để xây dựng kiểng chùa cho tu tập. Tại đây lại có thêm một ngôi chùa có tên “Chùa Cốc”. Đó là tịnh xá Ngọc Cát với nhiều am cốc, là một trong những ngôi chùa có cảnh quan đẹp của tỉnh Bình Thuận. Và nằm bên địa giới phường Lạc Đạo còn có một ngôi chùa tên gọi Hưng Long tự… Theo dòng chữ ghi lại trên hàng kèo chùa cổ Hưng Long, thì năm xây dựng chùa xưa là vào đời vua Thành Thái, năm Bính Ngọ -1906. Trải bao mưa nắng của thời gian, chùa cũ xuống cấp nghiêm trọng. Từ sự phát tâm cúng dường ban đầu của phật tử, chùa được khởi công xây dựng mới vào năm Bính Tuất - 2006, tức tròn 100 năm tính từ năm xây dựng chùa xưa. Ngày ngày soi bóng bên dòng Cà Ty, từ trên động cao nhìn ra dòng sông, một không gian thoáng đãng, sự mát dịu của nước gió thổi vào, với rất nhiều những hàng cây xanh, những mái nhà, những chiếc thuyền đang lướt nhẹ trên sông hiện ra trong tầm mắt của khách viếng chùa, khách sẽ cảm nhận thật nhẹ nhàng, thư thái, và cũng thật bình yên... Xa xa xóm làng cánh đồng Hàm Thuận tít tắp tới chân rặng núi tiếp núi cuối dãy Trường Sơn, hỏi lòng ai không nao nao yêu quê hương đất nước!...

Rồi đây đôi bờ sông Cà Ty tiếp tục được chỉnh trang. Bên tả ngạn từ cầu Dục Thanh đi lên Văn Thánh, và bên hữu ngạn từ khu di tích Dục Thanh xuống tới Đức Long… Có một chiếc cầu thay cho bến đò xưa Văn Thánh và tiếp đến phía dưới kia sẽ có chiếc cầu ven biển bắc qua sông, nối Bình Hưng qua Lạc Đạo, xuống Đức Long và đi thẳng Tiến Thành… Cho tôi nghĩ đến một tour tham quan “Theo dấu chân Người”. Theo tài liệu lịch sử, năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại Trường Dục Thanh thường đưa học sinh thăm đình làng Đức Nghĩa động làng Thiềng, hoặc thầy trò từ bến đò Văn Thánh qua sông Cà Ty thăm thú đồng quê. Mùa trăng, thầy Thành còn cùng một số đồng nghiệp trong trường thường đưa học sinh xuống ngảnh Thương Chánh để thưởng cảnh trăng soi mặt biển, sóng vỗ đầu gành và cùng nhau đàm đạo. Thông qua những buổi sinh hoạt như thế thầy đã dần dần hình thành trong học sinh những tâm hồn yêu nước”.

Xin mượn 8 câu thơ của nhà thơ Vương Đại Lợi (Hội Văn nghệ Bình Thuận), một con em của làng xưa Đức Nghĩa trong bài “Mùa Xuân nhớ Bác” để kết lại bài viết ngắn này: “Từ dạo đó Thầy đi chưa trở lại/ Tìm tự do đường cách mạng sáng ngời/ Bác sống mãi cả cuộc đời vĩ đại/ Như Thánh hiền đem hạnh phúc muôn nơi… Nhớ nguồn núi - sông Cà Ty - đình cổ/ Trường Dục Thanh - giếng Bác - khế đơm hoa/ Giờ Phan Thiết nét khang trang thành phố/ Việt Nam xinh xuân tươi thắm thái hòa…”.

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tự hào giai điệu Tổ quốc
BTO-Tối ngày 1/9, Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), đã diễn ra tại Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Thắng - Đức Nghĩa - Lạc Đạo: Soi bóng Cà Ty, ngước Động Thiềng…