Người Sài Gòn có thể đi đến Nha Trang (một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới) và trở về chỉ trong một ngày. Biển - đảo Nha Trang sẽ là “điểm hẹn” của người dân TP. Hồ Chí Minh dịp lễ 30/4 này, vừa để trải nghiệm tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo băng qua những cánh đồng điện gió, điện mặt trời tuyệt đẹp.
Còn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 54 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, khởi công tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, khai thác từ năm 2026, kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu từ 150 phút xuống còn 70 phút.
Như vậy chỉ trong vài năm, các tuyến cao tốc đã rút ngắn một nửa thời gian di chuyển, đưa TP. Hồ Chí Minh đến gần hơn các điểm du lịch biển nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết. Người dân Sài Gòn có nhiều lựa chọn hơn cho các kỳ nghỉ hè, cuối tuần, lễ, tết. Các thành phố biển kể trên cũng được hưởng lợi, mà du lịch Bình Thuận khởi sắc năm vừa qua là một ví dụ. Nhưng đồng thời áp lực cạnh tranh thu hút khách cũng sẽ tăng lên, buộc mỗi điểm đến phải tự đánh giá nhìn nhận lại ưu, khuyết điểm của mình, từ đó cải thiện thu hút khách tốt hơn.
Còn nhớ dịp lễ 30/4 năm ngoái, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khánh thành, hàng ngàn ô tô từ TP. Hồ Chí Minh đổ về cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết gây ùn tắc hàng cây số. Cao tốc này rút ngắn một nửa thời gian hành trình từ TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết, nên lượng khách đến Bình Thuận những tháng sau đó tăng đột biến. Có một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh đã phải giật tít: “Có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, du khách liệu có bỏ rơi Vũng Tàu?”.
Nhưng nhiều người Bình Thuận cũng lo ngại rằng, khi “sức hút” của cao tốc giảm dần và Bình Thuận không còn tổ chức Năm Du lịch quốc gia nữa, thì du lịch liệu có giữ được đà tăng trưởng nhanh như năm vừa qua?
Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh mặt được, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế. Do “sinh sau đẻ muộn”, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch của Bình Thuận chưa tốt bằng Vũng Tàu, hay Nha Trang. Các công trình, hoạt động phục vụ du lịch như: công viên, bãi tắm, quảng trường biển, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực về đêm… chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Bình Thuận cũng chưa có sân bay, hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với du lịch vui chơi giải trí, thương mại, thể thao tầm cỡ, thiếu các thương hiệu nổi tiếng…
Đường gần lại, cạnh tranh tăng lên. Bình Thuận sẽ phải nỗ lực thu hút các nhà đầu tư có năng lực, để cải thiện các hạn chế kể trên, cạnh tranh cùng phát triển với các trung tâm du lịch khác.