Ngoài ra, các thành viên EU cũng thảo luận việc tiến tới ngừng nhập khẩu hoàn toàn khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Tại cuộc họp, Ba Lan, quốc gia vốn bị Nga ngừng cung cấp khí đốt sau khi nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp đã kêu gọi Liên minh châu Âu đoàn kết và áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với các lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời không chấp nhận trước áp lực Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Bộ trưởng Môi trường và khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho sự độc lập về năng lượng, không phụ thuộc vào Nga và tôi tin rằng, các nước châu Âu khác cũng có thể làm như vậy. Chúng tôi sẽ thể hiện sự đoàn kết của mình, sẵn sàng hỗ trợ cung cấp ngay nhiên liệu hóa thạch cho các quốc gia khác nếu cần thiết."
Đức cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc EU áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tin tưởng rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể vượt qua khó khăn nếu dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, mặc dù quyết định đó chắc chắn dẫn đến tình trạng thiếu hụt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng lưu ý: "Sẽ hữu ích nếu chúng ta có vài tuần hoặc vài tháng, nhiều thời gian hơn để làm mọi công việc chuẩn bị, nghĩa là chuẩn bị kỹ thuật. Chúng tôi phải tìm một số tàu chở dầu, chúng tôi phải chuẩn bị bến cảng, chúng tôi phải chuẩn bị các đường ống dẫn. Vì vậy, thời gian là hữu ích, nhưng tôi nghĩ rằng các quốc gia khác cũng có vấn đề tương tự".
Nhấn mạnh đến việc thực hiện hợp đồng thanh toán khí đốt bằng đồng euro chứ không phải là đồng rúp, Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Barbara Pompili cho rằng, tất cả các nước đều nhất trí nên thực hiện các lệnh trừng phạt và tôn trọng các hợp đồng khí đốt đã ký với Nga.
"Những nguyên tắc mà chúng ta sẽ thảo luận hôm nay cho thấy rằng, tất cả các nước đồng ý tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng euro và không để các hợp đồng được áp đặt cho chúng ta được sửa đổi đơn phương."
Tuy nhiên, tại cuộc họp một số nước, trong đó có Áo, Italy và Hungary vẫn lo ngại về tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế của chính các nước châu Âu. Thậm chí Hungary đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn gói trừng phạt này. Để xoa dịu, EU đang tính đến khả năng thay thế nguồn cung dầu của Nga cho Hungary và Slovakia, những quốc gia gần như hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Trong khi đó, phản ứng trước các động thái của EU, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc rằng, hơn 300 tỷ USD của Nga đã bị "đánh cắp" do các nước phương Tây tịch thu số tiền dùng để mua khí đốt của Nga. Các khoản thanh toán được chuyển vào tài khoản của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga nhưng bị giữ lại trong các ngân hàng phương Tây. Chính vì vậy, Nga đã yêu cầu thanh toán bằng rúp để ngăn chặn tình trạng trên.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sớm nhất ngày 4/5 sẽ đạt thỏa thuận trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong đó, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga nhiều khả năng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn vào đầu năm tới nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu./.