Theo dõi trên

Gánh ngô nướng của mẹ

24/10/2017, 16:31

BTO- Quê tôi nằm cách Hà Nội chỉ dăm chục cây số, và người dân trong vùng đều sinh sống bằng nghề nông. Gia đình tôi cũng vậy, khi cha mẹ nhận khoán gần mẫu ruộng của hợp tác xã với các loại cây trồng là lúa, khoai, ngô... quanh năm trồng cấy. Hầu hết người dân quê tôi, sau khi đã đảm đương vãn bớt công việc đồng áng là họ lại đổ lên thành phố để kiếm việc lao động mưu sinh kiếm tiền để phụ giúp cho cuộc sống của gia đình đỡ phần thiếu thốn, vất vả.

Mẹ tôi cũng không phải là ngoại lệ, khi hễ cứ cấy, gặt xong mấy thửa ruộng, hay vun xới xong vài đám ngô, khoai, đậu đỗ..., là mẹ lại tất tưởi lên phố kiếm tiền. Ngày tôi còn nhỏ, mẹ thường không lên phố kiếm tiền quanh năm như nhiều người khác trong làng, mà mẹ chỉ đợi tới mùa đông mới đi kiếm tiền bằng công việc quạt nướng ngô bán!

Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về mang theo cái lạnh tê tái xâm chiếm da thịt là mẹ cũng bắt xe lên thành phố để bắt đầu công việc mưu sinh, bởi mẹ nói mùa đông người ta ăn quà vặt bằng ngô nướng rất đông, vì vậy nghề này bán chạy hàng và kiếm được, nên khi đã có gió lạnh rồi mà mẹ chưa lên được thành phố là bao giờ mẹ cũng tiếc hùi hụi. Chẳng vậy, dù việc nhà nông có còn đang dang dở thì mẹ cũng giao phó cho cha tôi, cũng như các con để vội vàng lên phố kiếm tiền.

Tôi đã từng rất nhiều lần được cha đưa lên thăm, chơi với mẹ ở thành phố vào những ngày nghỉ học cuối tuần. Trong những lần ngồi sau xe đạp của cha trên đường lên thành phố, cảm giác hồi hộp, vui sướng luôn xâm chiếm trong tâm hồn tôi, bởi khi đó tôi biết chắc là lúc lên gặp mẹ, bao giờ tôi cũng được đi theo mẹ bán ngô, ngồi trên hè phố nhìn ngắm vô vàn những chiếc ô tô, xe máy chạy qua đông như mắc cửi mà ở quê chẳng bao giờ có cảnh tượng ấy. Rồi thì, chắc chắn sau khi bán hết gánh ngô, mẹ sẽ dẫn tôi và cha vào quán ăn phở với thịt bò tuyệt ngon. Cũng có khi mẹ còn dẫn tôi đi công viên chơi nữa... Ôi, chỉ nghĩ tới những điều đó thôi, lần nào trước khi cùng cha lên thành phố tôi cũng gần như không ngủ cả đêm hôm trước vì mong đợi, háo hức...

Bao năm hành nghề quạt nướng ngô trên thành phố, hành trang kiếm tiền của mẹ để phụ giúp cùng cha nuôi anh chị em chúng tôi học hành, lớn khôn chỉ là đôi quang gánh, chậu than hoa, cùng một chút tiền làm vốn liếng. Mẹ tôi thuê trọ tại một xóm dành cho người ngoại tỉnh lên thành phố mưu sinh ở gần mé sông Hồng, với giá rất rẻ. Cứ sáng sớm mỗi ngày, khi hơi sương cùng không khí lạnh còn rét căm căm, mẹ đã trở giấc để đi bộ từ nhà ra khu chợ bán buôn ngô nếp ở gần cầu Long Biên để mua hàng. Ở chợ ngô, mẹ thận trọng lựa từng bắp một, khi mà ngô dùng để nướng sẽ chỉ là những bắp có hạt đông sữa đã đạt độ cứng, chứ không phải là ngô non dành cho bán luộc. Vì vậy, mười bắp như cả mười,  không bao giờ mẹ mua những bắp ngô quá non, bởi ngô non khi nướng sẽ bị quắt lại, ăn không có vị dẻo và thơm, khách sẽ chê... Mua được hàng, quẩy gánh ngô về nhà trọ, sau khi bóc bớt lớp bẹ (lớp áo bên ngoài bắp), mẹ phân loại để bắp to, bắp nhỏ riêng biệt, rồi chuẩn bị than củi là đi ngay... lên phố bán hàng.

Thường là công việc bán hàng của mẹ là đi rong ruổi khắp các nẻo phố phường, khi chỗ nào có khách, đông người mua, người ăn ngô là mẹ hạ gánh để bán. Thế nhưng, việc bán rong thường chỉ diễn ra ban ngày, còn buổi tối, về đêm nơi mẹ tôi hay ngồi cố định bán ở một chỗ. Chỗ đó là gốc một cây đa cổ thụ bên vỉa hè gần cổng đền Ngọc Sơn. Khách mua ngô nướng của mẹ chủ yếu là người qua đường, khi họ ngửi thấy mùi ngô nướng thơm lừng ấm nóng, nhiều người đã tạt vào để mua vài bắp ăn chơi. Cũng có không ít khách du lịch, thậm chí cả khách nước ngoài đi dạo phố buổi tối ở Hồ Gươm, khi nhìn thấy hàng ngô nướng, họ đã sà vào ngồi quây quần quanh chậu than hoa đỏ lửa của mẹ để sưởi ấm và đợi mua ngô nướng ăn.

Tôi còn nhớ, những lần cha đưa lên chơi với mẹ, theo mẹ đi bán ngô, bao giờ mỗi buổi mẹ cũng mua đầy hai thúng ngô, và bán ngày, bán tối đến khi nào cho kỳ hết mẹ mới quẩy gánh về nhà trọ. Có những khi, đồng hồ trên nóc nhà bưu điện thành phố điểm duy nhất một hồi báo hiệu thời khắc của 1 giờ đêm, vậy mà trong thúng vẫn còn dăm bắp ngô nữa mới hết. Vậy nhưng mẹ vẫn cố ngồi để bán với hi vọng khách qua đường thấy lạnh, hoặc có ai đó thương tình ghé vào sưởi ấm mua ngô ăn nốt giúp.

Mẹ tôi là người phụ nữ chăm chỉ, tảo tần, vì vậy mà khi đã lên thành phố mưu sinh, mẹ thường bán suốt mấy tháng mùa đông, đến tận áp tết mới chịu về quê, bởi như mẹ nói thì nghỉ buổi nào tiếc buổi đó, ở thành phố kiếm đồng tiền dẫu gì cũng dễ dàng hơn ở quê, vì vậy nên bao giờ mẹ cũng cố. Mẹ tôi kiếm được tiền lãi hàng ngày từ công việc bán ngô là vậy, nhưng với bản tính tiết kiệm, thương chồng, vì con cái nên có bao giờ mẹ dám tự thưởng cho mình một chiếc áo len ấm áp để chống chọi với cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt đâu, khi hàng ngày vẫn chỉ vài tấm áo mỏng manh phất phơ trong gió lạnh. Hôm nào rét quá, nhiệt độ hạ thấp thì trên người mẹ cũng chỉ quàng thêm một tấm nilon mỏng. Nhiều khi thương cho mẹ, nói mẹ phải mua áo len, khăn ấm để bảo vệ sức khỏe, thì mẹ bảo: mẹ bán ngô có chậu than  để sưởi rồi nên không thấy lạnh! Hơn nữa, nếu rét quá quàng thêm mảnh nilon bí hơi là ấm nóng lên rồi...

Bao năm rong ruổi vào những tháng mùa đông buốt giá trên khắp các nẻo phố phường nơi thành phố với sức nặng của hàng trăm, hàng ngàn gánh ngô trĩu nặng đôi vai gầy yếu, và với mồ hôi công sức bỏ ra, mẹ tôi đã chắt chiu từng đồng bạc lẻ thu được để mang về nhà nuôi 4 anh chị em chúng tôi khôn lớn, ăn học nên người. Giờ đây, cả 4 anh chị em chúng tôi đều có công ăn việc làm và cuộc sống tạm ổn nơi thành phố. Dẫu vậy, mẹ tôi đã là người thiên cổ từ mấy năm nay rồi! Nghĩ mà thương mẹ quá chừng...

Sớm nay, khi đi ngang qua một con phố gần nhà, trông thấy ngườ phụ nữ ở tỉnh đang mải miết quẩy gánh ngô cùng chậu than hoa đỏ lửa, hai hàng nước mắt tôi cứ trào dâng chan chứa, bởi tôi tìm thấy dáng hình tảo tần vất vả của mẹ mình suốt bao năm lên phố quạt ngô mưu sinh ở trong đó...

Nguyễn Thị Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gánh ngô nướng của mẹ