Theo kế hoạch của UBND tỉnh vừa ban hành, mục đích tổ chức hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào năm 2023, qua đó thu hút và huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong lẫn ngoài nước.
Chính vì vậy, Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 - Bình Thuận kết nối tiềm năng sẽ hướng đến 3 mục tiêu chính. Đó là: Gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào dự án trọng điểm, có giá trị tích cực lan tỏa, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị trong tỉnh.
Hoạt động này còn được xem là diễn đàn gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước và là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến quảng bá tiềm năng đầu tư tại Bình Thuận. Đồng thời hướng đến đảm bảo tổ chức hội nghị chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, không phô trương hình thức. Bên cạnh đó cũng tập trung giới thiệu cho nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng đầu tư vào các dự án mang tính đột phá, có tác động tích cực đối với cuộc sống người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Được biết tại hội nghị, địa phương tập trung đẩy mạnh quảng bá các trụ cột chính của tỉnh, gồm: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Theo đó trên lĩnh vực công nghiệp sẽ giới thiệu, thu hút đầu tư dự án thứ cấp vào các khu - cụm công nghiệp, dự án sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo thân thiện với môi trường mà đặc biệt là ngành nghề công nghệ mới (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học…). Ngoài ra cũng mở rộng, phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi và kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng…
Đối với du lịch, địa phương tăng cường giới thiệu các dự án du lịch và khu vui chơi, giải trí cao cấp, dự án thương mại, đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam... Từ đó góp phần chỉnh trang đô thị để phát triển hình thành Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo Quyết định (số 1772, ngày 18/12/2018) của Thủ tướng Chính phủ… Mặt khác còn giới thiệu định hướng đầu tư dự án về hạ tầng phục vụ phát triển Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, dự án dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Bình Thuận tập trung giới thiệu, thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại. Hoặc xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh. Cùng với đó cũng mời gọi các dự án thứ cấp vào Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận với tổng diện tích quy hoạch là 2.155 ha theo Quyết định (số 2059, ngày 10/8/2018) của UBND tỉnh.
Với sự kiện này, có thể nói đây sẽ là cơ hội tốt để giới thiệu môi trường đầu tư tiềm năng và thuận lợi của địa phương, quảng bá hiệu quả hình ảnh Bình Thuận để hướng đến thu hút đầu tư cũng như mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của tỉnh…