EBRD nêu trong một báo cáo, đẩy mạnh những nỗ lực tái kiến thiết cuối năm nay có khả năng bù đắp một phần tác động tiêu cực đối với cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Trả lời Hãng tin Reuter, bà Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng EBRD nói, động đất ảnh hưởng lớn đến các khu vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Đánh giá của bà là "hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác thì hạn chế."
Được biết, kể từ sau trận động đất kinh hoàng đến nay, tổng số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt 45.000. Cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết số người chết ở nước này hôm 17/2 là 39.672 người, dự kiến sẽ tăng khi vẫn còn nhiều người mất tích.
Tại Syria, số người thiệt mạng ghi nhận đến nay là hơn 5.800 và không thay đổi trong những ngày qua.
Tổng giám đốc phụ trách động đất và giảm thiểu rủi ro tại Cơ quan thảm họa quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Tatar cho biết, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận khoảng 4.700 dư chấn, tức là cứ sau 4 phút lại xảy ra một dư chấn kể từ khi trận động đất xảy ra.
“Hầu hết các cơn dư chấn này đều có thể cảm nhận được” - ông nói và cho biết thêm rằng khoảng 40 trong số đó có cường độ trên 4 độ richter. Vị quan chức nói thêm rằng có thể xảy ra các cơn chấn động mạnh 5 độ richter trong những ngày tới.
Trong ngày qua, các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm giam thêm một số nhà thầu xây dựng, chủ sở hữu và người quản lý của các tòa nhà đổ sập trong trận động đất.
Về công tác cứu hộ, các đội cứu hộ đã kéo 3 người còn sống ra khỏi các tòa nhà đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/2. Những người được giải cứu bao gồm: một người đàn ông ở tỉnh Hatay đã kẹt 278 giờ trong đống đổ nát, cậu bé Osman Halebiye (14 tuổi) và anh Mustafa Avci (34 tuổi) được cứu tại TP Antakya.
Các đội cứu hộ từ Thái Lan và Singapore đã rời Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hoàn thành sứ mệnh, theo hãng thông tấn Anadolu Agency.
Về viện trợ, nhiều quốc gia, tổ chức và cá nhân tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.