Theo dõi trên

Gia An (Tánh Linh): Hướng đến nuôi cá thát lát công nghiệp

03/04/2019, 09:46

BT- Gia An là xã có diện tích mặt nước ngọt lớn nhất trên địa bàn huyện Tánh Linh, với diện tích hồ Biển Lạc hơn 1.000 ha, diện tích các ao, bàu hơn 100 ha rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt nhất là cá thát lát.

Hướng đến năm 2020 đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Gia An luôn tích cực phát triển các tiêu chí đề ra trong đó có tiêu chí về phát triển nông nghiệp thủy sản. Nhận thấy đây là địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trong tương lai nên 2 năm qua Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai nuôi thử nghiệm mô hình nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp tại Gia An. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cùng với Trạm Khuyến nông Tánh Linh tiếp tục phối hợp với UBND xã Gia An thực hiện mô hình phát triển nghề nuôi cá thát lát theo hướng an toàn sinh học (ATSH) kết hợp với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc Tánh Linh. Việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt hướng cho bà con tích cực nuôi thủy sản để hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản, trong quá trình nuôi không sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng kháng sinh mà chỉ sử dụng các loại hóa chất an toàn cho cá nuôi và con người như vôi bột, muối, tỏi xay nhuyễn, cây lá xoan… để hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm, đem lại kinh tế cao. Mô hình “Nuôi cá thát lát cườm an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” được thực hiện trên địa bàn Gia An với quy mô 150 m3 và 1.000 m2 nuôi ao đất với số lượng giống 19.250 con, tổng số hộ có kinh nghiệm tham gia nuôi là 6 hộ. Bên cạnh đó, việc kết hợp và kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thương phẩm tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bước đầu được thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ nuôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Cá thát lát là loài cá nuôi nước ngọt có thể phát triển ở các hình thức nuôi như lồng bè, nuôi ao và là một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Đặc biệt là thương hiệu chả cá thát lát Tánh Linh được nhiều người biết đến như là một đặc sản của vùng. Liên kết được với doanh nghiệp thu mua tại địa phương đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh những mặt được thì vẫn còn nhiều hạn chế như nhiều nông hộ muốn phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư cho nuôi thủy sản cao hơn rất nhiều so với phát triển các loại cây nông nghiệp, vì vậy nhiều nông dân còn e ngại chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển, mở rộng quy mô, chỉ nuôi với số lượng nhà nước hỗ trợ nên giá trị kinh tế mang lại thấp. Mặc dù đã có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản với các đối tượng nuôi cá nước ngọt khác nhau, nhưng đây là đối tượng tương đối mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá thát lát có sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng các loại hóa chất độc hại, kháng sinh trong phòng trị bệnh mà chủ yếu là các loại hóa chất an toàn (vôi bột, muối hạt, tỏi xay nhuyễn, lá xoan…) được thực hiện trong suốt vụ nuôi nên cũng gặp một số khó khăn. Hệ thống ao hồ xây dựng chưa đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật, mực nước trên hồ Biển Lạc chỉ được nuôi trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12. Nuôi trong ao thì đa số các ao không có hệ thống cấp thoát nước, một số ao nuôi chủ yếu sử dụng ao nuôi có mạch nước ngầm…

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia An (Tánh Linh): Hướng đến nuôi cá thát lát công nghiệp