Theo dõi trên

Giã cào bay còn hoành hành

20/09/2018, 09:20

BT- Ngư dân Nguyễn Thu Anh gần 50 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Bình Tân, thị xã La Gi bức xúc cho biết, hầu như vụ cá nam nào cũng vậy, nhiều tàu trong và ngoài tỉnh công suất lớn hành nghề giã cào bay tuyến khơi lại vào tuyến lộng, tuyến bờ cào cá, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của những thuyền công suất nhỏ đánh bắt ở đây. Thường giữa vụ cá nam, nhiều đàn cá thu từ ngoài khơi vào các bãi rạn tuyến bờ đẻ trứng, sinh nở nhiều, đàn cá thu ảo chưa kịp bơi ra khơi đã bị những lưới giã cào vây bắt.

                
   Tàu giã cào bay hoạt động trên vùng biển    Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

“Cách đây chưa lâu, ở khu vực tuyến bờ biển La Gi, 5 - 6 tàu giã cào bay 400- 500 CV/chiếc đánh bắt hàng chục tấn cá thu ảo. Hỏi còn đâu cá thu lớn ở ngoài khơi? Không chỉ cá thu nhỏ, mà có khi cá ăn nổi xuất hiện khá dày như cá mai, trích ve… đều bị giã cào xúc hết. Với đặc thù lưới giã cào, mắt dày, lưới rộng, chiều cao chừng 10 m, gần như quét khắp vùng nước lưới càn qua. Bởi vậy, đôi tàu giã nào đi qua, các loài hải sản lớn nhỏ hầu như cũng không còn”, anh Thu Anh buồn bã nói…

Trăn trở của anh Thu Anh cũng như nhiều ngư dân khác trong tỉnh bởi tình trạng vi phạm khu vực khai thác vẫn còn. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng  tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt 38 trường hợp tàu giã cào bay trong và ngoài tỉnh vi phạm đánh bắt. Trong đó có 8 tàu của 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, còn lại tàu Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi. Cụ thể, khá nhiều tàu giã cào bay hành nghề trong thời gian cấm khai thác và sai tuyến quy định (24 trường hợp), hành nghề giã cào đáy sai vùng khai thác (14 trường hợp). Các tàu giã cào bay ngoài tỉnh, ngoài việc bị xử phạt tại chỗ, Chi cục Thủy sản tỉnh còn gửi thông báo đến cơ quan quản lý nghề cá tại địa phương nơi tàu đăng ký, yêu cầu phối hợp xử lý, có biện pháp quản lý, giáo dục. Với tàu giã cào bay trong tỉnh, không chỉ xử phạt theo quy định mà còn bị loại ra khỏi danh sách hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 196 tàu/90.133 CV đang hành nghề giã cào bay (bình quân hơn 450 CV/tàu). Trong đó, Tuy Phong và La Gi mỗi địa phương có 82 tàu, thành phố Phan Thiết 32 tàu. Các tàu giã cào bay đều hoạt động kiêm nghề, chủ yếu là nghề lưới kéo truyền thống (giã cào đáy) chiếm 82,7%, nghề câu 13,3%, nghề vây rút chì 3,6%, pha xúc 0,4%. Nghề giã cào bay hoạt động mạnh vào vụ cá nam, thời điểm cá nổi áp lộng. Tàu giã cào bay hoạt động sai tuyến tranh chấp ngư trường tuyến bờ, tuyến lộng khu vực làm nghề đánh bắt truyền thống của ngư dân như lưới rê, lưới cước, mành chà…; gây hư hỏng, mất mát ngư lưới cụ, đe dọa tính mạng, tài sản của ngư dân, gây mâu thuẫn, xung đột trên biển.

Hiện các lực lượng chức năng như Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Bộ đội biên phòng, UBND cấp huyện đang tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển của tỉnh. đặc biệt tập trung ngăn chặn, xử lý kiên quyết tàu giã cào ngoài tỉnh hoạt động vùng bờ, vùng lộng. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể trong việc nắm bắt tình hình các địa bàn có ngành nghề khai thác truyền thống đang chịu tác động tiêu cực của hoạt động giã cào bay hoạt động trái phép xâm hại, chủ động xử lý kịp thời các tàu hành nghề trên vi phạm.

Trong khi đó, qua các lần tiếp xúc cử tri ở TX La Gi, ông Nguyễn Hồng Hải, đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, thị xã cùng lực lượng kiểm ngư trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các tàu giã cào bay cố tình vào khai thác vùng bờ, lộng. Tuyên truyền cho nhiều chủ tàu đang hành nghề giã cào, khai thác đúng tuyến quy định; bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng ven bờ… “Đối với những chủ thuyền công suất nhỏ, cần từng bước liên kết với nhau, góp vốn hoặc vay nguồn vốn ưu đãi khai thác hải sản của Chính phủ, đóng tàu công suất lớn hơn, vươn ra vùng biển lộng, khơi đánh bắt, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Nguyễn Hồng Hải nói thêm. Đây là các giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài, ngành chức năng tỉnh, huyện, thị, thành phố cần kiên quyết triển khai đồng bộ để bảo vệ nguồn hải sản ven bờ đang dần cạn kiệt…

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giã cào bay còn hoành hành