Giá xăng tăng đẩy giá hàng hóa tăng theo
Sau 6 lần tăng giá kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trong nước đã đạt kỷ lục trong 8 năm trở lại đây (kể từ năm 2014); trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng lịch sử 27.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng cao khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tại Hà Nội cũng tăng lên.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VOV tại một số chợ truyền thống như: chợ Mùng 8/3, chợ Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), chợ Mai Động (quận Hoàng Mai), chợ Hôm Đức Viên (quận Hoàn Kiếm), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa), nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt lợn, thịt bò, gà, đồ khô… hàng hóa vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh so với trước.
Cụ thể, giá các loại rau xanh đều tăng mạnh, có loại tăng lên gấp 2-3 lần như: súp lơ từ 15.000 đồng/cây lên 20.000 đồng/cây; bắp cải từ 10.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, xà lách 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau cần 6.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ, bí xanh 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, su hào từ 5.000 đồng/củ lên 9.000 đồng/củ, rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 25.000 đồng/mớ, cà chua giá từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Hương, tiểu thương chợ Vĩnh Tuy cho biết, hầu hết các loại rau xanh đã tăng mạnh hơn 1 tuần nay. Nguyên nhân là do thời tiết tuần trước mưa rét kéo dài nên rau bị úng hỏng nhiều, kèm thêm giá xăng tăng nên cước vận chuyển cũng tăng theo, do đó, giá các mặt hàng rau xanh đều tăng mạnh.
“Rau mình nhập vào đều tăng nên cũng phải bán giá cao hơn so với trước. Mỗi mớ rau mình cũng chỉ lãi 1.000-1.500 đồng/mớ hoặc kg chứ cũng không lãi nhiều, vì bán đắt quá người mua cũng e ngại”, chị Hương nói.
Không chỉ giá rau xanh tăng, các mặt hàng thịt và hải sản cũng tăng giá. Cụ thể: thịt nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn từ 100.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy kích cỡ); tôm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại (tăng 30.000 đồng/kg). Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 240.000 - 350.000 đồng/kg; thịt gà 130.000 đồng-150.000 đồng/kg…
Theo lý giải của tiểu thương tại các chợ truyền thống, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo. Chị Phạm Thị Lịch, tiểu thương tại chợ Vĩnh Tuy lo lắng, sau khi tăng giá, lượng hàng bán ra đã giảm đi khoảng 30-40% so với trước. Thay vì bình thường khách hàng đi chợ sẽ mua 1 kg thịt, nhưng do giá tăng nên người nội trợ chỉ mua 6-7 lạng để giảm chi tiêu.
"Nếu giá hàng hóa, thực phẩm cứ tăng thì sức mua cũng sẽ giảm đi vì thu nhập của dân vẫn thế, giá tăng thì nhiều người sẽ phải cắt giảm chi tiêu. Còn nếu tôi không tăng giá bán thì không có lời, thậm chí còn lỗ, không thể duy trì được", chị Lịch cho hay.
“Choáng” với giá cả hàng hóa, thực phẩm đang tăng giá từng ngày, bà Nguyễn Thu Minh, ở Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Giá cả hàng hóa cái gì cũng thấy tăng, nhất là rau củ. Trước tết, mỗi ngày đi chợ mua thức ăn cho cả nhà 200.000 đồng cũng khá thoải mái mà giờ cũng 200.000 đấy nhưng không thể mua được đồ như trước. Giờ đi ra chợ là chóng mặt vì giá”.
Việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là công nhân, người thu nhập thấp khi chi phí sinh hoạt hằng ngày bỗng tăng đột biến.
“Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, công ty cũng cắt giảm việc, thu nhập giảm nên mình cũng phải thắt chặt chi tiêu hơn khi giá xăng không ngừng tăng mạnh. Để tiết kiệm chi tiêu, thay vì mua thực phẩm tươi sống như trước, tôi đã tính toán chuyển sang mua rau, củ nhiều hơn, tất cả đều giảm số lượng cần mua. Đối với mặt hàng nào tăng giá cao, tôi sẽ không mua và chuyển sang mua mặt hàng khác với giá rẻ hơn", chị Hường, ở Mai Động, quận Hoàng Mai chia sẻ.
Thách thức kiểm soát lạm phát
Giá cả hàng hóa leo thang, buộc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu. Lý giải nguyên nhân mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giá xăng dầu thế giới đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lý do là căng thẳng chính trị giữa Nga – Ucraine chưa tìm thấy lối thoát, dự trữ xăng dầu nhiều quốc gia giảm mạnh trong khi xu hướng đầu tư trên toàn thế giới tiếp tục được mở rộng. Bởi vậy, những kỷ lục của giá dầu thô diễn ra hiện nay chưa có dấu hiệu chững lại, dù đã đạt đỉnh kể từ năm 2014.
Đại diện Bộ Tài chính cũng dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 như: giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Đặc biệt, giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình giá cả leo thang, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng...
Trên cơ sở đó, tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xăng dầu đối với Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 để “kìm” giá xăng dầu./.