Chim mẹ nghe tiếng con bay đến, thấy con đang trong tay người chỉ biết nhảy dáo dác xung quanh kêu thảm thiết. Tôi liền thả chim non xuống đất. Nó vui mừng vừa chạy vừa đập cánh nhảy lại chỗ mẹ. Hình như được mẹ hướng dẫn nên chú chim non nhảy lên một cành cây và vỗ cánh lấy đà bay lên cao được. Tôi nhìn theo hai mẹ con nhà chim, chợt thấy sao chú chim non ấy hao hao giống tôi quá.
Thuở bắt đầu trưởng thành, tôi ngạo mạn cho rằng mình có thể tự lo cho cuộc sống của chính mình không cần dựa dẫm vào mẹ cha, rằng mình đã hết tuổi để nghe mẹ cha la rầy. Tôi bỏ lên thành phố lao vào làm việc ảo tưởng rằng mình sẽ tự kiếm được tiền lo cho bản thân, còn kiếm được tiền lo lại cho cha mẹ. Ai dè… Đi làm rồi mới hiểu cái câu “cơm người khổ lắm ai ơi, chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Muốn kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Số tiền lương ít ỏi chẳng thấm tháp vào đâu so với chi phí đắt đỏ nơi thị thành. Chật vật tiết kiệm mới đủ sống qua ngày. Những ngày lễ tết muốn mua chút ít quà cáp về nhà cũng phải dành dụm rất lâu. Lúc này mới hiểu cái khổ của cha mẹ phải vất vả bao năm gánh gồng nuôi các con ăn học.
Vậy mà mỗi lần mẹ bảo trở về quê kiếm việc làm để ở gần nhà cho đỡ tốn kém thì cục tự ái lại trương phềnh lên. Nhất quyết sống lay lắt nơi thị thành chứ không chịu đem bản mặt thất bại trở về, sợ phải nghe những lời càm ràm của cha mẹ. Nhất quyết cuốn quần áo ra đi chứ không chịu ăn bám vào cha mẹ nữa, vậy là lại lao lên thành phố, lao vào làm việc ngày đêm chỉ để kiếm tiền, để chứng tỏ cho cha mẹ thấy rằng không có cha mẹ mình vẫn sống tốt.
Bao nhiêu năm trôi qua vẫn chỉ biết cắm mặt vào kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp của bản thân. Khi đã có công việc ổn định, thu nhập ổn định, tôi tự mãn với thành quả bước đầu mình đạt được, lại càng lao mình làm việc, cố gắng kiếm thật nhiều tiền để cha mẹ phải tự hào về mình. Tôi không thích nghe mẹ khen con nhà này nhà khác làm lương tháng mấy chục triệu, xây được nhà lầu, mua được xe hơi. Mỗi lần nghe mẹ khen con người ta là cục tự ái trong tôi lại nổi lên. Tôi đã cao ngạo hứa với chính mình rằng tôi cũng sẽ làm được như họ, sẽ bắt mẹ phải công nhận thành quả của mình.
Cứ thế tháng năm nối nhau trôi đi.
Cứ thế những ngày về thăm nhà ít đi, khoảng cách giữa tôi và cha mẹ ngày một xa hơn…
Rồi con chim nhỏ ngày nào xây tổ mới, lích chích bên một con chim khác. Có tổ ấm nhỏ, tất bật với chồng con khiến tôi chẳng còn nhớ rằng nơi miệt quê đó, trong căn nhà nhỏ có hai người đã sinh ra nuôi lớn tôi và ngày nào cũng ngóng tôi trở về. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình tự lo được cho mình là đỡ gánh nặng cho mẹ cha, vậy là được. Mỗi bận tết lễ trở về nhà sum họp dăm ba ngày vậy là đủ. Đâu bao giờ tôi nghĩ được ba mẹ đã già lắm rồi, trong mái nhà xưa chỉ chờ mong thấy chúng tôi trở về, có tiếng con cháu cười nói. Vậy là đủ, đâu cần những món ngon vật lạ chúng tôi mang về bởi tuổi đã cao, huyết áp tiểu đường phải kiêng khem đủ thứ.
Loài chim khi đã biết bay thường đi xây tổ mới chứ chẳng đời nào trở về tổ cũ. Con người cũng vậy. Ai lập gia đình rồi cũng đều muốn ra riêng chứ chẳng muốn trở về ở cùng mẹ cha. Nghe răn dạy, càm ràm cả ngày mệt mỏi lắm. Ai cũng sợ ở với người già bởi người già hay nhớ quên lẫn lộn, hay so sánh với con nhà này nhà kia… Nên người trẻ thường muốn tự do hơn, dẫu có đói có no cũng vẫn muốn ở riêng.
Chỉ có mẹ cha vẫn ngày ngày nhớ đến lũ con, lâu lâu lại lần giở album ra xem rồi tủm tỉm cười một mình. Mới nghe chúng nó chạy nhảy, cười đùa, đánh nhau khóc um giờ đây đã vắng lặng, mỗi đứa một phương trời. Mới ngày nào còn rầy la tụi nó vì cái tội mê xem tivi không lo học hành giờ chúng nó đã thành cha thành mẹ hết rồi. Những ngày nắng đẹp, mẹ đem chiếc rương gỗ cũ kỹ ra phơi nắng. Rương lúc nào cũng được khóa kín cất trên cao. Tưởng có gì quý giá ai dè mẹ cất sấp giấy khen của lũ con trong đó, lâu lâu sợ mối ăn đem ra phơi nắng một lần. Mẹ còn cẩn thận lấy khăn lau sạch từng tờ một.
Một lần tiện đường công tác tạt vào thăm nhà thấy mẹ đang phơi kho báu của mình, tôi bật khóc. Thì ra với mẹ con cái là gia tài lớn nhất. Thì ra mẹ vẫn luôn tự hào về những đứa con chỉ là không nói ra. Và, thì ra mẹ vẫn luôn mong nhớ lũ con của mình chỉ là những đứa con lúc nhớ lúc quên mẹ, mà hình như lúc quên nhiều hơn lúc nhớ…