Theo dõi trên

Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 50 - 60 triệu USD vào năm 2030

13/10/2022, 21:33

Với quyết tâm khai thác và tạo nên những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm sức bật mới trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đặt ra là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với bệnh tật và biến đổi khí hậu.

screenshot_1665671785.png

Phải khẳng định rằng, trong những năm gần đây, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn. Nỗ lực trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng và hình thành các nhóm sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng và giá trị ngày tăng cao. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như thanh long, cao su… trong đó cây thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh tăng nhanh về diện tích, đã hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư mở rộng, nhất là thủy lợi, góp phần đưa diện tích lúa được tưới chủ động trên 71%. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Hiện nay tỉnh đã quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh còn chậm, tăng trưởng chưa bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn yếu, chưa lan tỏa rộng rãi. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa nhiều, khả năng cạnh tranh chưa cao, đặc biệt là thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ.

Để nâng cao giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến sản phẩm rau quả của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó sẽ phát triển ngành chế biến sản phẩm rau quả chủ lực của tỉnh hiệu quả, an toàn và bền vững, có trình độ công nghệ tiên tiến gắn với vùng sản xuất tập trung, sản lượng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao. Mục tiêu đến năm 2030 có trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu có trình độ công nghệ tiên tiến. Thu hút đầu tư mới 1 - 2 nhà máy chế biến thanh long có trình độ công nghệ tiên tiến, công suất chế biến thanh long đạt 250.000 tấn/năm. Chuyển hướng mạnh mẽ từ xuất khẩu rau quả bằng hình thức ủy thác, tiểu ngạch sang hình thức tự xuất khẩu chính ngạch. Đến năm 2030 giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 50 - 60 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải đầu tư nâng cao năng lực chế biến, thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến hiện đại, quy mô lớn, lấy thanh long là sản phẩm chế biến chủ đạo kết hợp với chế biến các sản phẩm khác như sầu riêng, xoài, mít, dưa hấu, chuối... Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt liên kết chuỗi về sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long của cả nước. Tập trung hỗ trợ cải tiến công nghệ đối với cơ sở chế biến quy mô nhỏ, có trình độ công nghệ lạc hậu, đảm bảo duy trì các cơ sở chế biến hiện có, nhất là đối với cơ sở chế biến thanh long. Phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi, nâng cấp cơ sở sơ chế, bảo quản hiện có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường khó tính. Khuyến khích đầu tư nhà máy xử lý nhiệt, nhà máy chiếu xạ đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến. Xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.

Đặc biệt với cây thanh long, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn và hình thành vùng chuyên canh sản xuất thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tâp trung thực hiện các giải pháp để phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sản xuất thí điểm các giống thanh long mới có khả năng chống chịu với bệnh đốm nâu. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh sản xuất và chứng nhận thanh long theo tiêu chuẩn an toàn như GlobalGAP, thanh long hữu cơ, đồng thời nâng cao diện tích chứng nhận và từng bước hình thành các vùng thanh long an toàn với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Từng bước chính quy ngành hàng sản xuất thanh long, chuẩn hóa sản phẩm, minh bạch hóa sản lượng, mùa vụ và có sự phân bố phù hợp đối với từng thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, đồng thời tạo nguồn cung ổn định cho chế biến…

THANH QUANG


(1) Bình luận
Bài liên quan
La Gi tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Thị xã La Gi vừa tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) với gần 60 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 50 - 60 triệu USD vào năm 2030