Theo dõi trên

Giải pháp chống triều cường vẫn còn gian nan

06/04/2016, 09:22

 Diễn biến triều cường phức tạp

BT - Chỉ trong thời gian ngắn đầu năm nay, nạn triều cường ven biển đã làm sạt lở khá nhiều khu dân cư, khu du lịch cộng đồng, xâm nhập mặn các vùng cửa sông, ven biển ở ngoại thành Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, huyện đảo Phú Quý. Nặng nề nhất là ở khu phố 13, 14, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, sóng biển đã lấn sâu vào 30 - 40 m trên đoạn bờ biển chiều dài 300 m, làm sụp đổ 29 căn nhà của ngư dân, tổn thất vài tỷ đồng. UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 290 triệu đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai địa phương cho 29 hộ bị sóng biển đánh sạt lở nặng (trị giá 10 triệu đồng/hộ). Vùng biển xã Tiến Thành, Phan Thiết vài năm gần đây đã có hơn 100 căn nhà ven biển bị sóng uy hiếp, sạt lở trầm trọng, thành phố phải di dời dân đến các khu dân cư mới... Tính sơ bộ trong toàn tỉnh, có khoảng 200 căn nhà cấp 4 tốc mái, hư hỏng nặng, trong đó hàng chục căn đổ sụp hoàn toàn như ở Liên Hương, Tiến Thành. Trước tình hình trên, chính quyền sở tại di dời hộ dân vùng sạt lở, cấp đất tái định cư, huy động các lực lượng sửa chữa, nâng cấp kè đê ven biển đó… nhưng những giải pháp chưa mang tính lâu dài…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân Liên Hương bị thiệt hại.

Kinh phí xây dựng đê, kè còn quá ít

Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trước đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 875 quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh trong 10 năm (đến năm 2020). Nguồn kinh phí này rất lớn hơn 3.500 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện 57 danh mục công trình chống xói lở trong toàn tỉnh. Đến nay số dự án xây dựng hoàn thành vẫn còn khiêm tốn (mới trên 10 công trình), nên chưa khắc phục triệt để nạn triều cường, xâm thực nhiều nơi ven biển. Ông Tân nêu khó khăn về nguồn vốn, bởi vốn kiên cố hóa đê kè đầu tư từ nhiều nguồn: Ngân sách trung ương thông qua Quyết định 667 của Chính phủ nâng cấp hệ thống đê biển, lồng ghép chương trình mục tiêu biển- hải đảo của Chính phủ, vốn vay hỗ trợ ODA cấp cho tỉnh, đối ứng của địa phương. Thực tế, tỉnh ta chỉ được phân cấp bình quân hơn 20 tỷ đồng/năm; trong khi kinh phí thực hiện thi công kè biển kiên cố vững chắc (cả đền bù giải tỏa cho dân) khoảng 100 tỷ đồng/km. Do vậy nguồn này không đáp ứng đủ xây dựng trong thực tế. Giải pháp trước mắt cũng chỉ là gia cố bờ bao, bờ kè bằng nội lực của tỉnh, huyện, huy động lực lượng nhân công địa phương, ngăn sóng biển lấn sâu vào.

Khu phố 14, Liên Hương bị triều cường xâm thực.

Ông Tân nói thêm, thời gian qua, các địa phương nơi xảy ra sự cố đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại, kịp thời hỗ trợ nhân dân nơi bị nạn, sớm khắc phục, sửa chữa khu vực bị hư hỏng. Lực lượng tại chỗ cơ bản là thanh niên xung kích, dân phòng, công an xã, xã đội, Đoàn thanh niên. Những lực lượng này trực tiếp trong dân, gần dân, do vậy kịp thời xử lý các tình huống ban đầu. Các lực lượng khác như bộ đội chủ lực, công an huyện, biên phòng sẽ phối hợp ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn hoặc khắc phục hậu quả sau triều cường, xâm thực.

ThỤy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp chống triều cường vẫn còn gian nan