Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh, Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng diễn biến phức tạp. Các đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Đặc biệt tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nhắn tin, gọi điện qua điện thoại, qua mạng xã hội diễn ra rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Điển hình là khi chúng ta thực hiện chủ trương chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, làm sạch “sim rác” để hạn chế tội phạm lừa đảo, thì các đối tượng lại lợi dụng chính chủ trương này để mạo danh cơ quan quản lý nhà nước, nhân viên các nhà mạng, ngân hàng… gọi điện để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt “sim” điện thoại của nạn nhân, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội... để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội. Phối hợp với ngành chức năng tuyên tuyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước tiếp tục phát hiện, xử lý hơn 3.900 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó hơn 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng. Qua đó góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội.
Song song đó, tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; thông báo toàn quốc số điện thoại đường dây nóng (0692.345.860) của Cục Cảnh sát hình sự là đầu mối tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an cũng đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Cần chủ động ghi lại các thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng để cung cấp cho cơ quan công an tổ chức xác minh khi có yêu cầu. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh của bản thân, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ vị thành niên...