Theo dõi trên

Giải pháp nào cho lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở Phan Thiết?

16/03/2016, 07:59

Bài 2: Loay hoay với các giải pháp tình thế

BT- Không biết bao nhiêu lần lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi sau đó việc lấn chiếm cứ tiếp tục tiếp diễn…

                
Lề đường Lê Hồng Phong bị lấn chiếm buôn    bán, để xe.

Tuyên truyền và ra quân

Chỉ tính từ ngày 16/12/2015 đến ngày 1/3/2016. Đội Cảnh sát trật tự cơ động Phan Thiết đã phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích thực hiện 259 lượt tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản 186 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 70 triệu đồng, tạm giữ 83 phương tiện, 31 bảng hiệu, 9 dù, bàn ghế, kệ… Ngoài ra còn phối hợp với Công an phường Đức Nghĩa, Hưng Long giải quyết trật tự đô thị, nhắc nhở hàng chục trường hợp buôn bán lấn chiếm, giữ 6 xe máy, 1 xe đẩy, bảng hiệu, dù, bàn ghế, cân, 50 đôi dép nhựa… giao công an phường xử lý. Thế nhưng theo Trung tá Nguyễn Minh Sơn, Đội trưởng Đội cảnh sát trật tự cơ động cho biết: “Tình hình trật tự đô thị đầu năm 2016 có sự chuyển biến trên các tuyến đường chính, khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường, khu vực công cộng có lúc tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhất là số buôn bán hàng rong tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bày bán hàng hóa cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đô thị”. Trên thực tế, mặc dù các địa phương và ngành chức năng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tuần tra xử lý vi phạm nhưng rõ ràng kết quả vẫn chỉ là phần ngọn. Bởi đa phần đối với các hộ buôn bán hàng rong đều là người nghèo, vì nhu cầu mưu sinh nên bắt buộc họ phải… ra đường sinh sống. Ở các tuyến đường có chợ phần người mua cũng vì tiện lợi chạy xe mua rồi đi ngay, phần người bán không chịu vào chợ vì nhiều lý do. Trên nhiều tuyến đường khác cũng tương tự, có cả việc nhiều hộ kinh doanh lớn cũng thích bày hàng lấn vỉa hè cho khách hàng dễ thấy hơn. Rõ ràng ý thức của cả người bán lẫn người mua đều chưa cao. Chưa kể nhiều con đường trong thành phố vừa nhỏ lại vừa không có cả lề đường, hoặc lề đường hẹp chưa đủ chuẩn… 

Đâu là giải pháp căn cơ?

Từ những nguyên nhân trên, theo chúng tôi UBND thành phố cần ngồi lại với các sở, ngành chức năng, các phường, xã trọng điểm thảo luận cụ thể xem nguyên nhân vì sao chúng ta ra quân xử lý quyết liệt, tốn nhiều công sức, tiền của nhưng hiệu quả đem lại không cao.

Cần rà soát xem cung, cầu buôn bán lòng lề đường như thế nào, từ đó có quy hoạch buôn bán ổn định. Đồng thời, có những biện pháp quyết liệt, căn cơ, chứ hiện tại thì chưa ổn cần tạo điều kiện cho những người lấn chiếm vỉa hè đó có được vị trí buôn bán hợp lý hơn. Hoặc chuyển đổi thu nhập của những đối tượng đó thành một nghề phù hợp khác nhằm giúp họ có thu nhập ổn định nhưng không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự xã hội. Quy hoạch những tuyến đường được bán hàng rong, vạch kẻ giới hạn, bàn ghế bày bán không được chiếm hết lề đường, lối lên xuống lề trước nhà dân, cơ quan, công ty... đảm bảo cho việc lưu thông được thông suốt

Đào tạo các chủ gánh hàng rong về ăn uống qua các lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm  để nấu nướng thức ăn đảm bảo hơn và chịu sự kiểm tra về an toàn về vệ sinh thực phẩm. Có niêm yết giá bán và bán đúng giá nhằm tránh tình trạng chặt chém khách du lịch vô tội vạ. Cam kết chặt chẽ việc chấp hành nghiêm chỉnh việc buôn bán lấn diện tích, xả nước, xả rác. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, nhiều lần (ba lần trở lên) sẽ tước giấy phép và cho người khác buôn bán hàng rong tại vị trí cũ. Nên có chính sách hỗ trợ người buôn bán nghèo. Các BQL chợ nên miễn, giảm phí những người buôn bán nghèo tạo điều kiện cho họ vào khu vực chợ trời buôn bán. Chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, ưu tiên người dân địa phương, vừa tạo công ăn việc làm, vừa thực hiện xóa đói giảm nghèo, vừa tạo môi trường kinh doanh công bằng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên tuần tra nhắc nhở, xử phạt nghiêm minh, xây dựng các tuyến đường văn hoá, lập các chốt ở các tuyến đường phức tạp…

Theo chúng tôi được biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác thực hiện mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, trong đó việc lập lại trật tự đô thị là ưu tiên hàng đầu. Điển hình là quận Hải Châu. Theo đó lực lượng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự vỉa hè đô thị cũng khá nghiêm minh. Các giải pháp hầu hết đều tập trung vào việc giải quyết song song 2 vấn đề lớn là đảm bảo trật tự đô thị và hỗ trợ những phương án giúp người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè có kế mưu sinh.Cụ thể, quận đã giao cho các phường thống kê những trường hợp buôn bán trên vỉa hè để sắp xếp cho họ những khu vực buôn bán nhất định. Ngoài ra quận còn có chủ trương cho các hộ này vay vốn không lãi suất để đầu tư buôn bán…

Từ những vấn đề trên, thiết nghĩ việc lập lại trật tự đô thị trong đó có việc xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không chỉ là chuyện của lực lượng chức năng mà còn của toàn xã hội và ngay cả mọi người dân cũng đều phải có ý thức giữ gìn đường thông, hè thoáng…

    
      Trung tá Nguyễn Minh Sơn, người đã từng làm Trưởng Công an phường Hưng   Long nhiều lần trăn trở với việc xử lý buôn bán hàng hàng rong ở Công   viên Đồi Dương cho chúng tôi biết thêm: “Theo tôi, cần tạo điểm buôn bán   tập trung để quản lý vệ sinh thực phẩm, môi trường, tạo công ăn việc làm   cho bà con vì đa phần là bà con lao động nghèo. Ý thức, nhận thức pháp   luật còn hạn chế, cơ sở hạ tầng lề đường chật hẹp, có nơi không có. Lực   lượng chức năng cần duy trì tuần tra thường xuyên, liên tục. Xây dựng   một số mô hình tự quản trên một số tuyến đường phức tạp. Giảm phí, thậm   chí miễn phí cho bà con nghèo ở nông thôn xuống vào chợ bán…”.

Hà Thu THỦY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở Phan Thiết?