Theo dõi trên

Giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm một cách đồng bộ

02/04/2024, 05:28

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Bình Thuận chưa có bệnh cúm gia cầm ở người

Tuần thứ 4 của tháng 3/2024, trường hợp nam bệnh nhân 21 tuổi, ở Khánh Hòa mắc bệnh cúm A/H5N1 và tử vong. Về dịch tễ, không ghi nhận việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia cầm bệnh gia cầm chết và không có hiện tượng gia cầm bệnh, gia cầm chết ở khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống. Bệnh nhân có đi bẫy chim vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, có nuôi chim. Kể từ năm 2003 đến nay, cả nước có 129 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong. Đó là thông tin của Bộ Y tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh. Cụ thể, Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang và buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Cả nước hiện không có ổ dịch cúm gia cầm nào.

phun-thuoc-gia-cam.jpg
Vệ sinh chuồng trại nuôi gia cầm (Ảnh minh hoa)

Tại Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm được kiểm soát tốt, không có ghi nhận ổ dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tiêm phòng được 8.386.931 liều vắc xin cúm gia cầm. Trong đó, số vắc xin do Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi nông hộ là 1.645.000 liều, đạt 97,9% kế hoạch tiêm phòng theo kế hoạch của tỉnh. 3 tháng đầu năm 2024, tiêm phòng được 1.198.666 liều vắc xin cúm gia cầm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điểm nổi bật từ năm 2020 đến nay, Bình Thuận chưa ghi nhận trường hợp cúm gia cầm lây sang người.

Vẫn tiềm ẩn… lây sang người

Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hóa, di dân gia tăng; tập quán chăn nuôi, tập quán sinh hoạt, thói quen cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Cùng với đó, hoạt động giao thương hàng ngày vận chuyển và buôn bán gia cầm đang diễn ra giữa các quốc gia và các tỉnh trong nước. Mặt khác, tiềm ẩn chủng vi rút cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm khỏe mạnh, hoặc trong đàn chim ở thiên nhiên (hoang dã) là chuyện không tránh khỏi.

Vì thế, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ các ổ dịch bệnh động vật lây truyền sang người vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó, có bệnh cúm gia cầm. Bởi sự lây lan của cúm gia cầm tại tất cả các khu vực trên thế giới được ghi nhận. Dịch cúm gia cầm vẫn có thể xảy ra trên đàn gia cầm khắp cả nước, xuất phát từ giao thương. Hơn thế nữa, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ gần 50%.

Cách phòng bệnh cho người, gia cầm

Để phòng chống bệnh cúm trên gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Các địa phương trong tỉnh hiện đang triển khai kế hoạch mua vắc xin cúm gia cầm để tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt lưu ý đàn gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao, đàn gia cầm đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn gia cầm tại thời điểm tiêm vắc xin. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa bàn; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Về phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người, bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y trên địa bàn. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Thăm, chúc mừng Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Chiều 27/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nguyễn Minh thăm, chúc mừng các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Sở Y tế Bình Thuận và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm một cách đồng bộ