Tử vong do bệnh dại cao
Năm 2017, Bình Thuận ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại có 16.185 người đi tiêm vắc xin dại. Năm 2018, toàn tỉnh không ghi nhận ca tử vong nào do bệnh này và 18.719 người tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, từ năm 2019 - 2024, mỗi năm số ca tử vong do bệnh dại là 2 - 4 ca. Và số người tiêm vắc xin phòng dại lại thấp, dao động 9.611 - 13.984. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, số tử vong là 8 ca và 9 ổ dịch dại trên chó, nhưng chỉ có 12.665 người tiêm vắc xin phòng dại.
Cùng thời gian trên, số ca tử vong do bệnh dại xuất hiện ở 8 huyện, thị, thành phố gồm Hàm Thuận Nam 5 ca - cao nhất tỉnh, Tuy Phong 4 ca, La Gi 4 ca, Hàm Thuận Bắc 3 ca, Phan Thiết 3 ca, Hàm Tân 3 ca, Bắc Bình 1 ca và Tánh Linh 1 ca. Đức Linh và Phú Quý chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào.
Bác sĩ Đỗ Văn Ước - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, chia sẻ: Tỷ lệ người tử vong bệnh dại ở Hàm Thuận Nam cao là do chủ quan. Sau khi bị chó cắn, người dân cứ nghĩ rằng chó nhà, chó nhỏ, nên không đi tiêm vắc xin; không nắm quy trình xử lý vết thương. Một số người dân tin vào thuốc nam trong phòng trị bệnh dại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đặc điểm dịch tễ của 8 ca tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại nhưng có 2 trường hợp xử lý vết cắn bằng lá cây thuốc nam. Độ tuổi tử vong ở 15 - 59 tuổi, chiếm tỷ lệ cao 87,5%. Tỷ lệ nữ tử vong do bệnh dại chiếm 62,5%. Khoảng thời gian từ khi phơi nhiễm đến khi tử vong chủ yếu trên 90 ngày, vài trường hợp dưới 90 ngày và không rõ. 8 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tăng 12% ca so với cùng kỳ 2023 (57 ca). Chỉ số trên biểu đồ tử vong do bệnh dại, Bình Thuận có 8 ca tử vong trong tổng số 14 ca ở khu vực miền Trung- cao nhất khu vực miền Trung và cũng cao nhất nước.
Cùng chung tay thực hiện giải pháp
Theo bác sĩ Ước, sau khi tham gia tập huấn phối hợp liên ngành y tế - thú y trong phòng, chống bệnh dại khu vực miền Trung năm 2024, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam tiếp tục tuyên truyền đến người dân, ban hành văn bản chỉ đạo các phòng khám, trạm y tế xã tăng cường, giám sát tình hình bệnh dại trên người cũng như phối hợp cơ quan thú y để kiểm soát đàn chó. Đồng thời, tham mưu địa phương thành lập các đội bắt chó. Khó khăn là phương tiện bắt chó, hình thức xử lý chó sau khi bắt.
Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh tham mưu lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh dại theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị UBND cấp huyện rà soát số lượng chó, mèo và tổ chức tiêm vắc xin phòng dại trên động vật nuôi, đạt tỷ lệ tiêm hơn 80% tổng số đàn. Tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức tác hại của bệnh dại. Đó là thông tin của ông Nguyễn Trọng Hiệp - Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh đưa ra một số giải pháp: Để khống chế tình hình bệnh dại tại tỉnh trong thời gian tới, là tăng cường tái truyền thông; giải quyết triệt để các nguồn gốc để xảy ra bệnh dại, thì quản lý số lượng chó, mèo và tiêm vắc xin phòng dại. Các địa phương chỉ đạo, đưa công tác phòng, chống dại vào nội dung của địa phương để quản lý việc nuôi chó mèo, xử lý chó mèo thả rông. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh cần triển khai việc tiêm vắc xin cho chó mèo đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành y tế tỉnh tiếp tục củng cố các điểm tiêm, đảm bảo đủ vắc xin phòng dại cho người dân tiêm ngừa khi bị chó, mèo cắn.