Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững Hàm Thuận Nam: Không cam chịu phận nghèo

27/12/2023, 05:53

Để giảm nghèo bền vững, giải pháp hàng đầu là khơi dậy ý chí vươn lên của chính các hộ nghèo. Thực tế, ở huyện Hàm Thuận Nam đã có nhiều hộ nghèo không “đầu hàng” số phận. Với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để vươn lên đủ ăn rồi tiếp tục giúp đỡ những hộ khó khăn như mình trước đây.

b40e5c08-e40c-478e-a9a6-d0b362c3e05c.jpeg
Chị Nguyễn Thị Chiến được cán bộ chi hội phụ nữ hướng dẫn quản lý trả nợ vốn.

Nỗ lực vươn lên

Tháng 10/2023, chị Nguyễn Thị Chiến (khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam) đã rút ngắn khoản nợ ngân hàng, chỉ còn 8 triệu đồng. Năm nay dù còn ở trong diện hộ cận nghèo, nhưng vợ chồng chị phấn đấu đến năm 2024 sẽ trả hết nợ nần và thoát hẳn. Dẫu biết hành trình thoát nghèo lắm gian nan, nhưng chị Chiến cho biết không hề đơn độc, bởi đằng sau sự nỗ lực ấy, các cấp chính quyền luôn đồng hành và tiếp sức cho họ.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn, cuộc sống những tưởng sẽ thay đổi khi chị lập gia đình, ra ở riêng. Thế nhưng đói nghèo vẫn đeo bám cuộc sống đôi vợ chồng trẻ, khi đôi mắt của anh Nguyễn Quang Vinh – chồng chị Chiến ngày càng mờ dần, sức khỏe yếu và không thể đi ra ngoài làm việc. Mọi gánh nặng chi phí trong gia đình và nuôi con ăn học dồn lên đôi vai của chị, nên ai thuê gì làm nấy. Biết được hoàn cảnh, năm 2021 Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thuận Nam đã tạo điều kiện để hỗ trợ chị tiếp cận vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Cầm 50 triệu đồng trong tay, nếu những hộ khác sẽ dùng để chăn nuôi gà, vịt, heo, bò sinh sản, thì anh chị quyết định nuôi bò thịt.

67315296-abdd-457d-a851-83b3eeffa722.jpeg
Chồng chị Chiến chăm sóc bò.

“Bò sinh sản yêu cầu chăm sóc kỹ và tùy thời điểm giá bán bê con cao thấp khác nhau. Trong khi nuôi bò thịt phù hợp với sức khỏe của anh ở nhà và cứ 7 - 10 tháng khi bò có giá sẽ bán, như vậy thu lãi gối đầu nhanh, hiệu quả hơn, sau đó tiếp tục mua bò khác nuôi lại”, chị Chiến tính toán.

Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn nuôi thêm gà, trồng gần 100 trụ thanh long trong vườn và các loại cây ăn trái phục vụ nhu cầu lương thực hàng ngày của gia đình.

Ông Võ Hùng Chung – Chủ tịch UBND thị trấn Thuận Nam cho biết: Toàn thị trấn hiện có 36 hộ nghèo/122 khẩu, 105 hộ cận nghèo/384 khẩu. Trong đó hơn 50% hộ nghèo thuộc diện neo đơn, già mất sức lao động, vợ hoặc chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Vì thế trường hợp của hộ Nguyễn Thị Chiến là một sự cố gắng biết nắm bắt để phát triển kinh tế và tích góp trong gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

db18d93f-da6d-49d9-a487-38464f3b1852.jpeg
Chị Nguyễn Thị Mỹ Bông chăm sóc thanh long.

Xóa nghèo từ trong tư tưởng

Như chiếc “cầu nối” giữa hộ nghèo với các chính sách hỗ trợ vốn vay, kinh nghiệm, đào tạo nghề… Hội Liên hiệp Phụ nữ Hàm Thuận Nam đã giúp nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình. Trong câu chuyện giúp đỡ hội viên của mình, có những chị sau khi thoát nghèo còn quay trở lại giúp những phụ nữ khác thay đổi nhận thức cùng vươn lên. Chị Nguyễn Thị Mỹ Bông (SN 1980 tại thôn 3, xã Hàm Cần) là một điển hình.

Cũng như những chị em khác ở Hàm Cần, chị Nguyễn Thị Mỹ Bông nghỉ học từ sớm. Sau khi lấy chồng và sinh con đầu lòng, cuộc sống của vợ chồng chị càng khó khăn. Chị Bông chia sẻ: "Vợ chồng tôi bàn nhau phát đất làm rẫy, đi làm thuê và mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ ngân hàng để sản xuất bắp. Những vụ đầu làm theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp cộng với thời tiết thuận lợi nên bắp được mùa, được giá, nhờ thế cất lại căn nhà nhỏ vững chãi, thay thế ngôi nhà tạm". Chị cho biết thêm, khi thấy cây thanh long bén rễ tại nhiều vùng đất ở xã, lại có giá cao, chị không ngần ngại tiếp tục vay để đầu tư. Đất đã không phụ công người và nhờ biết chi tiêu hợp lý, chỉ hơn 3 năm sau chị đã trả được nợ. Chị trở thành một trong những hộ thoát nghèo thời điểm năm 2021.

21dd8cf9-af15-426b-a5f9-81099511ea4c.jpeg
Vườn thanh long ở Hàm Cần (ảnh Ngọc Lân)

Cũng qua những lần tham gia nghe tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, tập huấn kỹ thuật chăm sóc thanh long, trả nợ vốn ngân hàng, chị biết đến phong trào Hội phụ nữ rồi tham gia sinh hoạt và không lâu sau trở thành chi hội trưởng, tổ trưởng tổ vay vốn thôn 3. Trong thời gian tham gia công tác ở thôn, chị Bông nhận thấy vẫn còn một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí, nghị lực vươn lên, còn trông chờ, ỷ lại từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ khi nào xóa bỏ tư tưởng này thì các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội mới “cộng hưởng” để đánh bật được cái nghèo một cách căn cơ, vững chắc.

Vì thế chị đã cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền chị em thay đổi nhận thức, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả vào việc chăn nuôi bò sinh sản, trồng thanh long, trồng bắp lai… Nhờ vậy góp phần đưa chỉ tiêu hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ giảm xuống còn 124 hộ năm 2022.

Có thể thấy mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ giống nhau ở ý chí, nghị lực, lặng lẽ bươn chải lo liệu cuộc sống gia đình và hữu ích cho cộng đồng để thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.

THUỲ LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam:
Trọn dinh dưỡng cho trẻ từng độ tuổi
BTO-Suy dinh dưỡng ở trẻ xuất phát từ câu chuyện trẻ hàng ngày, không được dung nạp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Hàm Thuận Nam giải quyết mấu chốt vòng tròn “kinh tế - bữa ăn dinh dưỡng”. Cùng với đó, là tuyên truyền, hướng dẫn cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững Hàm Thuận Nam: Không cam chịu phận nghèo