Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững qua các chương trình, dự án

14/11/2024, 05:13

Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng huyện, địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hàng năm đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên làm ăn, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất.

Triển khai đồng bộ

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã cụ thể hóa, ban hành các quyết định, kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tập trung chỉ đạo từ huyện đến cơ sở để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tất cả các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phân công các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện phụ trách từng xã, thị trấn. Hàng năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và hướng dẫn công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Tổ chức thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án một cách công khai, dân chủ, lấy ý kiến đề xuất từ cộng đồng dân cư. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua đó xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với kế hoạch đầu năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhất là những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu các gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất và chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo. Riêng các năm 2022, 2023, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho huyện khoảng 9,73 tỷ đồng và UBND huyện phân bổ nguồn vốn 9,4 tỷ đồng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

giam-ngheo.jpg
Hội Phụ nữ xã Hồng Sơn thăm mô hình giảm nghèo và động viên hội viên nỗ lực vươn lên. Ảnh: T.Linh

Từ các nguồn vốn, các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương đã thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại 7 xã Thuận Minh, Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Hòa, Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, với tổng kinh phí 3,98 tỷ đồng. Tập trung thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, với kinh phí 2,38 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho 7 xã, với kinh phí 2,02 tỷ đồng và cải thiện dinh dưỡng tại 7 xã, với kinh phí 361,9 triệu đồng. Phòng Lao động – TBXH huyện đã phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, với kinh phí 1,4 tỷ đồng. Tập trung truyền thông giảm nghèo đa chiều, với kinh phí 212,4 triệu đồng và nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo, với kinh phí 716,9 triệu đồng. Cụ thể đã mở 1 lớp đào tạo nghề dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn cho 26 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Hàm Phú, với kinh phí 89 triệu đồng và tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho 733 cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở, với kinh phí 190,88 triệu đồng. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, với kinh phí 314,2 triệu đồng.

giam-ngheo-1.jpg
Các hộ dân nhận bò hỗ trợ về nuôi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.Luân.

Nhiệm vụ quan trọng

Các hội, đoàn thể trong huyện đã nhận ủy thác từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho các hội viên, nông dân nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tăng cường vận động xây dựng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để giúp đỡ, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Nhất là Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn tuyên truyền, tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện phân bổ chỉ tiêu tín dụng, thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo đúng quy định. Tích cực thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để nguồn vốn vay quay vòng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong huyện. Đồng thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung giải ngân các nguồn vốn kịp thời và giúp các đối tượng vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho 1.324 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn khoảng 60,314 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trong đó 571 hộ nghèo vay 26,229 tỷ đồng và 753 hộ cận nghèo vay 34,015 tỷ đồng. Nguồn quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân các cấp xây dựng quản lý khoảng 4,445 tỷ đồng/37 dự án, giải quyết cho 260 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Các cấp Hội đã hình thành nhiều tổ tương trợ giúp nhau về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, như: Hình thành 50 tổ tương trợ để giúp cho 406 lượt hội viên nông dân nghèo vay vốn xoay vòng khoảng 693 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí quỹ vì người nghèo của huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng trăm căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân đóng góp hỗ trợ xây dựng nhiều căn nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng năm 2022, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 33 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành, địa phương đã tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, với kinh phí 1,4 tỷ đồng và cấp 29.585 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để khám chữa bệnh. Thực hiện miễn giảm học phí cho 5.089 trẻ em học mẫu giáo và học sinh trung học cơ sở, với tổng kinh phí 1,023 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí học tập cho 3.273 học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài huyện, với kinh phí 2,13 tỷ đồng và hỗ trợ tiền điện cho 14.281 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, với kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Có thể nói trong thời gian qua, UBND huyện đã xác định chỉ tiêu giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Nhất là các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải tiếp tục giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương trong huyện tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của huyện trong các năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các chính sách trợ giúp người nghèo tiếp tục được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống để thoát nghèo. Qua đó đã giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn 4,44% trong năm 2023.

KHÁNH HUYỀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (13/11)
Thời điểm quyết định cải thiện các chỉ số cải cách hành chính; Tuy Phong: Quyết liệt tháo dỡ cội chà, bè nuôi hải sản trái phép trên biển; Kết nối phụ nữ thông qua dân vũ thể thao; Thống nhất đầu tư dự án Cải thiện môi trường đô thị các thành phố loại 2 - Hợp phần tỉnh Bình Thuận; Ban quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy: Nâng chất lượng thu hút du khách… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 13/11/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững qua các chương trình, dự án