Theo đó, cán bộ, nhân viên cùng với cộng tác viên của Khu bảo tồn biển Hòn Cau tiếp tục áp dụng các phương pháp khoa học trong giám sát, thống kê lượng rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa, phát sinh tại các bãi biển trên đảo Hòn Cau. Trong các đợt giám sát, các thành viên tham gia còn tiến hành so sánh, đánh giá diễn biến phát sinh về số lượng cũng như khối lượng của từng loại rác thải qua các năm khác nhau, đưa ra nhận định ban đầu về nguồn gốc phát sinh của các loại rác thải này.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, chương trình “Giám sát rác thải biển” là một hoạt động mà Ban Quản lý kết hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tiến hành thực hiện từ năm 2019 với 2 lần/năm. Tính đến năm 2023, đơn vị đã tiến hành được 10 đợt khảo sát. Chương trình sẽ được tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo để xây dựng nên một kho dữ liệu đầy đủ và khách quan nhất. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xác minh nguồn gốc phát sinh rác thải biển cũng như nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Trên thực tế, Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển. Đồng thời, cũng chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng rác thải nhựa tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các Khu bảo tồn biển, là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm rác thải trên biển.
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa phong trào bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng và cả nước nói chung. Được biết, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là 1 trong 11 khu bảo tồn tại Việt Nam thực hiện chương trình này. Qua các đợt khảo sát ban đầu ghi nhận: Rác thải nhựa chiếm tới 92% trong 7 loại rác thu gom tại bãi biển; 4 loại rác nhựa được tìm thấy nhiều nhất về số lượng là phao xốp vật nổi, dây thừng nhỏ/lưới nhựa, đồ dùng đựng bằng xốp, túi nilon.