Thắng cảnh Hòn Cau có nhiều giá trị về lịch sử hình thành địa chất, địa mạo mang đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung bộ trong hàng triệu năm qua. Đây là điểm có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, độc đáo, hấp dẫn và kỳ bí, hệ sinh thái đa dạng, nhiều chủng loại. Hòn Cau còn được coi là điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam, đang có sức thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến khám phá, trải nghiệm. Ngoài hệ sinh thái biển phong phú, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho một thế giới đá với những khối đá có nhiều hình hài, màu sắc, kích cỡ chồng xếp lên nhau trải dài nối tiếp, xen kẽ với những bãi cát trắng mịn bao quanh đảo.
Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, có khoảng 74 loài thực vật thuộc 67 chi và 38 họ thực vật bậc cao có mạch; hệ động thực vật dưới nước rất phong phú và đa dạng với nhiều loài hải sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau. Khu Bảo tồn biển Hòn Cau là một trong 16 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển…Hòn Cau được các nhà nghiên cứu đánh giá có vị trí cực kỳ quan trọng, là ngư trường rộng lớn của Việt Nam.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích thắng cảnh Hòn Cau, cho đại diện UBND huyện Tuy Phong (theo Quyết định số 2332/QĐ-UBND ngày 7/11/2022) của UBND tỉnh Bình Thuận. Như vậy, thắng cảnh Hòn Cau đã trở thành một di sản thiên nhiên, nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận nói chung, huyện Tuy Phong nói riêng, nâng tổng số di tích đã được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn huyện Tuy Phong lên 16 di tích, danh thắng.
Theo lãnh đạo Sở VHTT&DL, để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị của thắng cảnh Hòn Cau, trong thời gian đến sớm hoàn chỉnh, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Quản lý thắng cảnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa; chú trọng gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng môi trường cảnh quan trên đảo và hệ sinh thái, môi trường tài nguyên biển. Bên cạnh đó, xây dựng phương án bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh Hòn Cau theo hướng gìn giữ tối đa các yếu tố nguyên gốc về cảnh quan, môi trường tự nhiên và sinh thái vốn có; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về nét độc đáo của thắng cảnh Hòn Cau…