Theo dõi trên

Gian nan dạy học trực tuyến ở vùng cao

24/09/2021, 08:58

BT- Do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, học sinh các cấp học trong tỉnh chưa thể đến trường để học tập (trừ “vùng xanh” huyện đảo Phú Quý). Ðể đảm bảo kế hoạch thời gian năm học mới 2021 - 2022, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai đến các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 và học viên giáo dục thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau từ ngày 20/9. Tuy nhiên, tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc tổ chức dạy học trực tuyến  đang gặp nhiều khó khăn.

Thiếu thiết bị để học online, đường truyền mạng chập chờn là những khó khăn chung trong triển khai dạy học bằng hình thức trực tuyến tại các trường ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Thầy Nguyễn Ngọc Thiên An – Hiệu trưởng Trường TH&THCS La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học trực tuyến. Toàn trường có gần 200 học sinh THCS thì hầu hết các em ở vùng khó khăn này không có máy tính hoặc điện thoại thông minh để học trực tuyến. Đường truyền mạng không có, nhà trường phải huy động tất cả máy tính, điện thoại của giáo viên và sử dụng mạng 4G để dạy học online nhưng cũng chập chờn có lúc được lúc không. Do vậy, việc dạy học trực tuyến rất khó để thực hiện hiệu quả”. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc, qua khảo sát, hiện toàn huyện còn 30,9% học sinh không có thiết bị để học trực tuyến. Nếu ở vùng đồng bằng việc triển khai dạy học online ổn định, trong đó nhiều trường có tỷ lệ học sinh tham gia học đạt trên 90% thì ở 3 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ khó triển khai thực hiện được. Bởi điều kiện gia đình học sinh ở đây rất khó khăn, không trang bị được các thiết bị. Mặt khác đường truyền mạng rất yếu, chập chờn không đảm bảo chất lượng cho việc dạy học trực tuyến.

Học sinh Trường TH & THCS La Dạ chia nhóm nhỏ đến các điểm trường học tập

Tương tự, tại Trường TH & THCS Sơn Lâm thuộc vùng cao của huyện Bắc Bình cũng gặp rất nhiều trở ngại vì phần lớn học sinh không có thiết bị để học tập. Thầy Lâm Ngọc Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong những ngày đầu tổ chức dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tham gia học chỉ đạt khoảng 30%. Vấn đề khó khăn ở đây là nhiều gia đình không có điều kiện để mua sắm máy tính, điện thoại thông minh cho con học online. Hoặc nếu có thì cả nhà chỉ có một cái điện thoại, ba mẹ còn sử dụng để liên lạc hàng ngày nên con cũng không có để học. Không chỉ gặp khó khăn về sóng, thiếu thiết bị học tập, một bộ phận các em học sinh vì gia đình còn nhiều khó khăn nên các em còn phải dành thời gian để phụ giúp ba mẹ công việc nương rẫy nên ít quan tâm việc học trực tuyến. Hiện thầy cô giáo đang tích cực đến tận từng nhà học sinh để vận động phụ huynh tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập”. Để khắc phục khó khăn, trước mắt các trường học ở vùng cao đang thực hiện phương án giáo viên soạn phiếu học tập, bài giảng gửi đến học sinh tự học ở nhà. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường giáo viên sẽ dạy bù kiến thức cho các em. Bên cạnh đó, nhiều trường đang thực hiện giải pháp chia học sinh thành những nhóm nhỏ khoảng 10 em đến các điểm trường để giáo viên hướng dẫn, dạy học trực tiếp nhưng đảm bảo yêu cầu 5K.

Nói về những giải pháp thời gian tới, ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Qua rà soát, toàn tỉnh tỷ lệ dạy học trực tuyến đối với cấp THCS đạt 84,04%, cấp THPT đạt 97,0%. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” để vận động các nguồn lực hỗ trợ máy tính cho học sinh không có điều kiện trang bị thiết bị để học trực tuyến, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tại các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả.

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan dạy học trực tuyến ở vùng cao