Theo dõi trên

Gian nan kéo giảm nạn tảo hôn

21/11/2019, 09:01

BT- So với trước đây, hiện nạn tảo hôn ở các xã vùng cao trong tỉnh có giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp - một cán bộ tư pháp của xã vùng cao chia sẻ.

 Con số đáng mừng

Tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt ở thôn, bản vùng cao – nơi có những hủ tục lạc hậu, từng có những cô bé, cậu bé còn đang tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới đã phải oằn mình với gánh nặng gia đình, bận bịu con cái. Song lần trở lại các xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc mới đây, chúng tôi khá bất ngờ trước con số thống kê về tảo hôn. Cụ thể, xã Mỹ Thạnh đồng bào dân tộc Rai có 863 người, năm 2019 phát hiện 1 vụ tảo hôn, xã Hàm Cần có dân số đông hơn nhưng  chỉ xảy ra 4 vụ. Lứa tuổi tảo hôn thường rơi vào khoảng 15 đến 17 tuổi. Chị Châu Thị Như Ý - cán bộ tư pháp xã Hàm Cần, đánh giá: So với cách đây hơn 5 năm, số vụ tảo hôn giảm rõ rệt. Khi đó có nhiều trẻ em sinh ra từ người mẹ chưa đủ tuổi kết hôn, không biết làm giấy khai sinh như thế nào cho phù hợp nếu chiếu theo quy định của pháp luật.

Việc tảo hôn giảm nhờ vào những năm gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, ngành có liên quan và sự nỗ lực của các cấp hội, đoàn thể xã hội, đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp cũng như gián tiếp đến cha mẹ và các em. Bởi tảo hôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu và nhiều bi kịch khác. “Các ngành có liên quan của tỉnh thường xuyên phối hợp với huyện và Hội Luật gia thường xuyên về xã tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó UBND xã cũng tuyên truyền bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp thôn, phụ nữ... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân”, cán bộ tư pháp xã Mỹ Thạnh cho biết.

Tuy vậy cũng có những khó khăn do nhận thức của người dân hạn chế, đặc thù của người đồng bào vùng cao ở rừng, ở rẫy nhiều hơn ở nhà nên khó tiếp cận. Có những hộ cố tình làm đám cưới cho con, cán bộ xã đến ngăn cản thì họ bảo gia đình khác cũng có con như vậy sao được cưới? mà không biết rằng gia đình ấy đã bị cán bộ xã “tuýt còi” nhiều lần vì vi phạm pháp luật. Trong khi, có thanh thiếu niên học ở trường bán trú hoặc đi làm ăn xa, yêu đương có thai ngoài ý muốn về địa phương tổ chức đám cưới... xã rất lúng túng, khó quản lý. Ngoài những vụ chính quyền phát hiện tảo hôn thì có những vụ gia đình tự dàn xếp cho con cái về ở chung với nhau không tổ chức đám cưới.

 Tuyên truyền, vận động là chính

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình đóng vai trò quan trọng. Song, tuyên truyền cần cụ thể bằng hình thức sân khấu hóa, nội dung của điều luật trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản trong cuộc sống đời thường của đồng bào. “Sử dụng những từ ngữ theo văn bản họ không hiểu, phải dùng từ ngữ dân dã hàng ngày họ mới biết. Chẳng hạn, nói với bà con mà dùng câu: căn cứ vào điều này, khoản kia thì họ không hiểu, mà chỉ nói 18 tuổi mới được lấy vợ, cưới chồng còn ngoài ra không được phép thì họ hiểu...”, cán bộ tư pháp của một xã chia sẻ. Ngoài vận động tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân phải chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng trong việc rà soát những đối tượng có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục; đồng thời, kết hợp cả những biện pháp chế tài, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm...

“Làm công tác tuyên truyền không thể cứng nhắc, mà tùy vào từng trường hợp để có cách xử lý uyển chuyển, linh hoạt. Nếu can thiệp mạnh quá thì người vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình sẽ bỏ đi hoặc cá biệt tự vẫn. Có trường hợp cố tình tổ chức đám cưới, chính quyền phải tiếp cận, ngăn chặn và giải thích với gia đình,   bên lo dịch vụ tổ chức đám cưới để họ ngưng không tiếp tục tổ chức”, chị Như Ý cho biết.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian nan kéo giảm nạn tảo hôn